Ngành Bảo hiểm Xã hội tỉnh Phú Thọ đã triển khai thêm nhiều giải pháp vận động thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội.
(TTXVN) - Theo Bảo hiểm Xã hội tỉnh Phú Thọ, tháng 5/2023 được xác định là tháng cao điểm thực hiện công tác truyền thông, vận động người dân và người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Trên phạm vi toàn tỉnh, các đội tuyên truyền lưu động bảo hiểm xã hội các huyện, thị đang tổ chức diễu hành trên các tuyến phố, xã, thị trấn; đồng thời tổ chức các hội nghị tuyên truyền theo mô hình nhóm nhỏ vận động trực tiếp nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Thông qua đợt ra quân giúp cho người dân, người lao động hiểu rõ quyền, lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội trên cơ sở nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm xã hội, từ đó tạo sức lan tỏa sâu rộng để người dân chủ động tham gia. Ngay trong tháng ra quân, mỗi huyện sẽ vận động được ít nhất 20 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, 30 người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện; phấn đấu trong tháng vận động, toàn tỉnh sẽ có thêm gần 300 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, gần 400 người tham gia bảo hiểm y tế.
Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, tính đến đầu tháng 4/2023, Phú Thọ có 230.633 người tham gia bảo hiểm xã hội (đạt 30,5% so với lực lượng lao động). Trong đó, 182.419 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, (tăng 4.144 người so với cùng kỳ năm trước). 48.214 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (tăng 4.724 người so với cùng kỳ năm trước). Toàn tỉnh có 171.179người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (tăng 4.088 người so với cùng kì năm trước). 1.272.307 người tham gia bảo hiểm y tế (tăng 13.235 người so với cùng kỳ năm 2022). Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện 1.156.574 triệu đồng (tăng 92.917 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2022).
Ngành Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã triển khai thêm nhiều giải pháp vận động thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội. Đối với người lao động thuộc khu vực phi chính thức, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã ký Chương trình phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, ngành Lao động, Công đoàn, UBND các xã, phường, thị trấn trong việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, vào tháng 5, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các đại lý tổ chức Tháng cao điểm triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân, đồng thời tổ chức các hội nghị, các cuộc tuyên truyền nhóm phù hợp, vận động người dân tham gia bảo hiểm tự nguyện vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần.
Đối với các đơn vị sử dụng lao động, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã ký kết Chương trình, quy chế phối hợp với các sở, ban, ngành như: Thanh tra tỉnh, Công an, Thuế, Cục Thi hành án dân sự, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động và Thương binh xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp từ đó tăng cường phối hợp trong sử dụng dữ liệu dùng chung và trong công tác thanh kiểm tra, yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng lao động.
Để mở rộng, tăng nhanh và bền vững số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TU về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết nêu rõ trách nhiệm của từng cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội, cán bộ, đảng viên trong thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân. Các cấp ủy Đảng phân công các đồng chí trong cấp ủy phụ trách công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn; phân công đảng viên ở chi bộ khu phố, thôn, bản trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Xác định nhiệm vụ phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp….
Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh đạt 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 94% dân số có thẻ bảo hiểm y tế theo lộ trình đề ra hằng năm./.
- Từ khóa:
- Phú Thọ
- bảo hiểm xã hội
- an sinh