Xã hội

Phú Yên tập trung huy động nguồn lực để phát triển kinh tế

Phú Yên

Tỉnh Phú Yên đã khai thác các nguồn lực, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giai đoạn 2019-2023 bình quân đạt 5,6%/năm.

Quang cảnh buổi làm việc.
Ảnh: Vũ Xuân Triệu - TTXVN

Ngày 19/8, Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương làm việc, khảo sát tại tỉnh Phú Yên về sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về nâng cao hiệu quả, quản lý, khai thác sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.

Sau khi Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết 39-NQ/TW, tỉnh Phú Yên đã khai thác các nguồn lực, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giai đoạn 2019-2023 bình quân đạt 5,6%/năm. Quy mô nền kinh tế không ngừng được nâng lên. Năm 2019, GRDP trên địa bàn tỉnh (giá hiện hành) đạt 42.459,24 tỷ đồng; năm 2023 đạt khoảng 57.207 tỷ đồng tăng 35%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản; xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực...

Từ năm 2019 đến năm 2023, tỉnh đã triển khai kiểm tra hiện trạng và xử lý, sắp xếp công sở trên địa bàn tỉnh (gồm 341 cơ sở nhà, đất). Từ đầu năm 2024 đến nay đã kiểm tra hiện trạng trên 1.276 cơ sở nhà, đất tại 9 huyện, thị xã, thành phố.

Mặc dù vậy, theo ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ; chưa có nhiều dự án sản xuất, kinh doanh quy mô lớn; tích lũy nội bộ của nền kinh tế còn ở mức thấp. Nhiều dự án được cấp phép nhưng còn vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ. Nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng kinh tế trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu trong khi huy động theo hình thức xã hội hóa còn hạn chế...

Về khả năng hoàn thành các mục tiêu đến năm 2025, 2035 và 2045, Tỉnh ủy Phú Yên đánh giá, tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm, thủy sản năm 2025 chiếm khoảng 35-37%, năm 2035 dưới 25% tương đương mức trung bình cả nước, năm 2045 tương đương mức trung bình cả nước là dưới 15% tổng số lao động của tỉnh. Đối với chỉ số phát triển con người (HDI), năm 2035 phấn đấu bằng mức trung bình cả nước, đạt khoảng 0,7 - 0,799; năm 2045 bằng mức trung bình cả nước, đạt từ 0,8 trở lên. Phú Yên hoàn thành việc xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên, môi trường và hệ thống thông tin giám sát tài nguyên - môi trường vào năm 2035.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII, tỉnh Phú Yên kiến nghị sớm sửa đổi Luật Đầu tư cho phù hợp với các luật có liên quan vừa có hiệu lực như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở; các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để các địa phương có cơ sở triển khai, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thực hiện. Chính phủ cho phép các địa phương tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khi nội dung dự kiến điều chỉnh không làm thay đổi tính chất, chức năng, quy mô và các giải pháp quy hoạch chính của khu vực lập quy hoạch...

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.
Ảnh: Vũ Xuân Triệu - TTXVN

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa XII đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung. Nghị quyết nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu thực hiện công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tỉnh Phú Yên cần thường xuyên tổ chức, kiểm tra việc sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế; không để xảy ra thất thoát lãng phí, cạn kiệt nguồn lực và hủy hoại môi trường.

Từ các cứ liệu thực tiễn, Ban Kinh tế Trung ương sẽ báo cáo những vấn đề vướng mắc, điểm nghẽn, nút thắt lớn trong triển khai thực hiện Nghị quyết về nguồn nhân lực, nguồn vật lực và nguồn tài lực để Bộ Chính trị đề ra các giải pháp khi tiếp tục thực hiện Nghị quyết này trong thời gian tới./.

Vũ Xuân Triệu

Tin liên quan

Xem thêm