Quân đội xác định mục tiêu, lộ trình triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình giai đoạn 2025 - 2030
Đề án đã xác định mục tiêu, lộ trình thời gian và các biện pháp để các cơ quan, đơn vị chủ động chuẩn bị, huấn luyện, đào tạo, triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình trong thời gian tới với các loại hình đơn vị mới.
Ngày 11/7, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Đề án lộ trình chuẩn bị, triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Bộ Quốc phòng giai đoạn 2025 - 2030 và các năm tiếp theo (Đề án số 3348/ĐA-GGHB ngày 12/6/2025 của Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc); Nghị định số 07/2025/NĐ-CP ngày 25/3/2025 của Chính phủ và Thông tư số 32/2025/TT-BQP ngày 19/5/2025 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn đảm bảo chế độ, chính sách đối với lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, đại diện Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam báo cáo về kết quả xây dựng Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Theo đó, Luật vừa được Quốc hội thông qua ngày 26/6/2025 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, với số phiếu tán thành tuyệt đối (445/445 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành). Luật gồm 5 chương, 27 điều, trong đó bổ sung quy định nhiều nội dung mới và có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Từ tháng 5/2014 đến nay, Việt Nam triển khai gần 1.100 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các phái bộ. Các lực lượng của Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được lãnh đạo Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao về năng lực, tính chuyên nghiệp, tính kỷ luật, khả năng thích ứng nhanh với môi trường làm việc đa quốc tế, khí hậu khắc nghiệt và rủi ro an ninh cao. Liên hợp quốc mong muốn Việt Nam tiếp tục cử nhiều lực lượng hơn nữa, bao gồm cả loại hình đơn vị và loại hình cá nhân.
Về Đề án lộ trình chuẩn bị, triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Bộ Quốc phòng giai đoạn 2025 - 2030 và các năm tiếp theo, trước tình hình thế giới và khu vực gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường cùng với kết quả hơn 11 năm triển khai lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Bộ Quốc phòng xác định đây là thời điểm, thời cơ phù hợp để xây dựng Đề án và kế hoạch phát triển lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Đề án đã xác định mục tiêu, lộ trình thời gian và các biện pháp để các cơ quan, đơn vị chủ động chuẩn bị, huấn luyện, đào tạo, triển khai lực lượng trong thời gian tới với các loại hình đơn vị mới như: kiểm soát quân sự, thông tin liên lạc, bảo vệ căn cứ…; loại hình cá nhân ở các vị trí cấp cao tại phái bộ và làm việc tại cơ quan hoạch định chính sách chiến lược tại Trụ sở Liên hợp quốc.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 triển khai được từ 1 - 2 đơn vị mới tại các phái bộ phù hợp; ứng tuyển 1 vị trí cá nhân vào vị trí cấp cao; từ năm 2030 trở đi, có từ 3 - 7 đơn vị ở cấp độ 2, 3 trên Hệ thống đánh giá năng lực sẵn sàng triển khai của Liên hợp quốc để triển khai khi có đề nghị của Liên hợp quốc; ứng tuyển thành công từ 2 vị trí cá nhân cấp cao trở lên; tham gia sâu rộng hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trở thành một trong những quốc gia trong khu vực và trên thế giới có đóng góp lớn vào hoạt động này.
Biểu dương Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực trong phát triển lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; xây dựng, hoàn thiện và tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ này, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh với gần 1.100 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được cử đi, trong đó tỷ lệ nữ chiếm 16%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung và sự mong đợi của Liên hợp quốc.
Những kết quả trong quá trình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam thời gian qua tiếp tục khẳng định năng lực của các sĩ quan, quân nhân Việt Nam, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế; góp phần thiết thực vào việc giải quyết các vấn đề an ninh, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới; tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến yêu cầu Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng; duy trì hiệu quả lực lượng đang triển khai hiện nay; xây dựng, hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Cùng với đó, Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến lưu ý cần quan tâm đảm bảo chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia; chủ động nghiên cứu, dự báo, đánh giá đúng tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổ công tác liên ngành và Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong quá trình chuẩn bị các đề án, chiến lược liên quan, trong đó tập trung triển khai hiệu quả Đề án lộ trình chuẩn bị, triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Bộ Quốc phòng giai đoạn 2025 - 2030 và các năm tiếp theo đúng nội dung, lộ trình thời gian đề ra.
Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong môi trường quốc tế đa phương, nhất là tham gia ứng tuyển thành công các vị trí chỉ huy cấp cao tại phái bộ và tại Trụ sở Liên hợp quốc, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín của Việt Nam, của Quân đội nhân dân Việt Nam ở khu vực và quốc tế./.