Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh, việc ổn định tổ chức, đảm bảo nguồn lực và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc sẽ là tiền đề quan trọng để ngành Tư pháp thành phố hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Chiều 10/7, tại buổi làm việc với Sở Tư pháp về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2025 sau khi sáp nhập Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Hùng ghi nhận khối lượng công việc rất lớn Sở đã thực hiện. Trước những khó khăn về kinh phí hoạt động, đặc biệt là cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trụ sở làm việc xuống cấp sau khi sáp nhập, ông Trần Chí Hùng đã chỉ đạo Sở Tư pháp khẩn trương làm việc với Sở Tài chính để tổng hợp, trình HĐND thành phố xem xét, phân bổ kinh phí trong năm 2025.
Theo Sở Tư pháp thành phố Cần Thơ, sau khi sáp nhập, kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể. Việc thực hiện nhiệm vụ này trên địa bàn rộng lớn của 3 địa phương cũ Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang đang gặp nhiều lúng túng. Sở cũng chưa được bố trí kinh phí hoạt động nên gặp không ít khó khăn trong triển khai nhiệm vụ của ngành Tư pháp.
Trước tình hình này, ông Trần Chí Hùng đề nghị, Sở Tư pháp chủ động lập báo cáo chi tiết, gửi Sở Tài chính tổng hợp trình HĐND thành phố trong kỳ họp tới nhằm sớm có nguồn lực triển khai các nhiệm vụ quan trọng trong năm 2025.
Đối với vấn đề trụ sở, liên quan đến việc bàn giao trụ sở cũ của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, Sở Tư pháp khảo sát thực trạng. Nếu nhận bàn giao mà chưa đảm bảo điều kiện làm việc, Sở phải có đề nghị cụ thể đến Sở Tài chính và Ban Quản lý dự án đề xuất phương án sửa chữa, đảm bảo nơi làm việc ổn định cho cán bộ, công chức.
Bên cạnh giải quyết các vấn đề cấp bách, lãnh đạo UBND thành phố cũng đề nghị Sở Tư pháp tổng hợp toàn bộ khó khăn, vướng mắc chi tiết sau sáp nhập để thành phố có chỉ đạo chung, phối hợp cơ quan liên quan cùng tháo gỡ. Đồng thời, cần sớm kiện toàn các Ban chỉ đạo, Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật để ổn định hoạt động.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành Tư pháp thành phố Cần Thơ đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Sở chủ trì thẩm định 158 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (gồm 27 nghị quyết và 131 quyết định), góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện nghiêm túc, bám sát các chỉ đạo của Bộ Tư pháp và thành phố.
Tuy nhiên, tại một số cơ quan, việc luân chuyển công chức chuyên trách pháp chế ảnh hưởng đến tính ổn định của công tác. Một số cơ quan, đơn vị thực hiện bản so sánh, thuyết minh nội dung dự thảo còn mang tính hình thức. Về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, việc xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật còn tồn tại hạn chế, chưa có nhiều hoạt động hỗ trợ cụ thể. Đặc biệt, phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp đôi khi không ổn định, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc tại địa phương.
Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Hùng yêu cầu, Sở Tư pháp tập trung rà soát lại các Nghị quyết đã ban hành để tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố ban hành chương trình hành động mới. Song song đó, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực để tham mưu tiếp tục thực hiện, đảm bảo tính liên tục, thống nhất trong quản lý nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, việc ổn định tổ chức, đảm bảo nguồn lực và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc sẽ là tiền đề quan trọng để ngành Tư pháp thành phố Cần Thơ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.
- Từ khóa:
- Cần Thơ
- sáp nhập
- phổ biến
- giáo dục pháp luật