Giáo dục

Quảng Ngãi tìm phương án phù hợp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên

Quảng Ngãi

Trước thềm năm học mới 2024-2025, Quảng Ngãi đang thiếu khoảng 900 giáo viên ở tất cả các cấp học.

Mặc dù cơ quan chức năng liên tục tổ chức các kỳ thi tuyển giáo viên, nhưng trước thềm năm học mới 2024-2025, Quảng Ngãi vẫn thiếu khoảng 900 giáo viên ở tất cả các cấp học.

Năm học này, thành phố Quảng Ngãi vẫn còn thiếu gần 100 giáo viên. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quảng Ngãi Nguyễn Văn Hưng cho biết, dù được bổ sung thêm biên chế hàng năm, cũng như tiếp nhận giáo viên từ các huyện, thị xã trong tỉnh chuyển về, nhưng năm học này,  thành phố vẫn chưa khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên. Đặc biệt là tại các trường mầm non, tiểu học thuộc các xã ven biển. Các cơ sở giáo dục ở thành phố có nhu cầu tiếp nhận 45 giáo viên, nhân viên. Trong đó, bậc mầm non tiếp nhận 5 giáo viên, bậc tiểu học tiếp nhận 25 giáo viên và nhân viên, bậc trung học sơ sở tiếp nhận 15 giáo viên. Nếu tiếp nhận đủ số lượng này sẽ phần nào giải quyết được tình trạng thiếu hụt giáo viên của các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Giáo viên ôn luyện kiến thức cho học sinh trước thềm năm học mới. 
Ảnh: TTXVN phát

Còn tại huyện Nghĩa Hành, dù được bố trí 6 biên chế giáo viên trong Kỳ thi tuyển giáo viên năm học 2023-2024, nhưng hiện nay huyện vẫn còn thiếu 16 giáo viên tiểu học. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghĩa Hành Tăng Ngọc Thiện cho biết, huyện thiếu giáo viên cục bộ do nghỉ chế độ thai sản, nghỉ hưu trước tuổi. Cụ thể, năm học vừa qua, tại 1 trường có đến 3 giáo nghỉ sinh cùng lúc, một giáo viên về hưu trước tuổi. Ngoài ra, có những trường hợp giáo viên khi đang công tác tại huyện, nhưng tham gia thi tuyển tại một địa phương khác và trúng tuyển. Do đó, họ viết đơn xin nghỉ làm việc tại Nghĩa Hành. “Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cục bộ này, Phòng đã đưa ra giải pháp điều chuyển “tạm thời” giữa các trường, phân công giáo viên dạy tăng tiết, dạy trái môn, hoặc xin UBND huyện cho ký hợp đồng”, ông Thiện cho hay.

Một thực tế đáng lo là, mặc dù thường xuyên tổ chức tuyển dụng giáo viên, nhưng khi trúng tuyển vào các trường miền núi và làm việc được một thời gian, giáo viên lại xin chuyển công tác nên các trường ở miền núi vẫn thiếu giáo viên. Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trà Bồng Đinh Thị Thu Hương cho biết, trước thềm năm học mới, Trà Bồng thiếu hơn 100 giáo viên, trong đó chủ yếu là bậc mầm non và tiểu học. Việc thiếu số lượng lớn giáo viên ở hai bậc học này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc dạy học 2 buổi/ngày sẽ thực hiện không đồng bộ khi biên chế bố trí thiếu so với vị trí việc làm được quy định. Mặc dù thiếu giáo viên, nhưng không thể sáp nhập các điểm trường lẻ do khoảng cách đến điểm trường chính quá xa, khó khăn cho học sinh khi đi lại. Do đó, tại các điểm trường lẻ sẽ phải học ghép lớp. Đồng thời, Phòng cũng đã có báo cáo gửi UBND huyện Trà Bồng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh để xin chỉ tiêu tuyển dụng biên chế trong thời gian tới.

“Trước mắt, chúng tôi đã hướng dẫn các trường thiếu giáo viên ký hợp đồng ngắn hạn những vị trí thiếu. Phòng cũng khuyến khích các trường linh động trong việc sử dụng nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên để nâng mức chi trả cho giáo viên hợp đồng”, bà Đinh Thị Thu Hương cho hay.

Một tiết học của học sinh học trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Sơn Hà, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi). 
Ảnh: TTXVN phát

Hợp đồng ngắn hạn sẽ giúp các trường khắc phục tạm thời tình trạng thiếu giáo viên, nhưng về lâu dài sẽ khó đảm bảo chất lượng giáo dục. Đặc biệt với các trường miền núi, việc ký hợp đồng dạng này gặp khó khăn, bởi mức lương hợp đồng và điều kiện công tác ở vùng cao rất khó thu hút giáo viên.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Ngọc Thái cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, ngoài việc ký hợp đồng ngắn hạn với giáo viên để bổ sung vào những vị trí còn thiếu, ngành khuyến khích các trường phân công giáo viên dạy liên trường, điều động giáo viên từ trường thừa về trường thiếu, thuyên chuyển. Đây là giải pháp đã được nhiều trường triển khai trong những năm gần đây, phần nào giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

“Tuy nhiên, các giải pháp này đều có những mặt hạn chế bởi địa bàn các huyện miền núi rộng, việc dạy liên trường gặp nhiều khó khăn. Giáo viên hợp đồng sẽ không an tâm và hạn chế về trách nhiệm trong công tác, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Giáo viên hợp đồng ngắn hạn sẽ khó theo dõi diễn biến chất lượng của học sinh để có phương pháp điều chỉnh phù hợp trong quá trình giảng dạy”, ông Thái nhấn mạnh.

Cô T. (giáo viên hợp đồng ở huyện Trà Bồng) chia sẻ: "Năm 2023, tôi đã tham gia thi tuyển giáo viên nhưng không đạt. Tôi về dạy hợp đồng cho một trường tiểu học ở huyện Trà Bồng. Trong thời gian công tác, tôi luôn nỗ lực hết sức để truyền dạy kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên, là giáo viên hợp đồng ngắn hạn nên tôi  chưa thực sự an tâm công tác".

Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi Tạ Công Dũng, trên cơ sở nhu cầu thực tế, Sở đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi có kế hoạch tuyển giáo viên năm 2024 với 727 chỉ tiêu gồm: 106 giáo viên trung học phổ thông, 145 giáo viên trung học phổ thông, 340 giáo viên tiểu học, 136 giáo viên mầm non. Tuy nhiên, dù có tuyển đủ, số lượng này vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu giáo viên cho các trường. Do đó, Sở đang soạn thảo kế hoạch dài hạn nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thừa - thiếu giáo viên cục bộ./.

Đinh Hương

Đinh Thị Hương

Xem thêm