Quảng Ninh 6 năm liền xuất sắc giành vị trí dẫn đầu về về chất lượng điều hành kinh tế, với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính đã làm cho vùng “Mỏ” trở thành mảnh đất “màu mỡ” thu hút nguồn tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài.
(TTXVN) - Tỉnh Quảng Ninh với lợi thế về hạ tầng giao thông đồng bộ, có sự kết nối của đường bộ, đường biển, đường sắt và hàng không, cũng như các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân, đã giúp địa phương này trở thành thỏi nam châm hút nguồn tiền đầu tư nói chung, nguồn đầu tư trực tiếp từ các “ông lớn” ngoại quốc nói riêng.
* Địa bàn trọng điểm thu hút đầu tư
Các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh được thực hiện bởi nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, thuộc các châu lục: châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương; trong đó, Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 3,8 tỷ USD, chiếm 33,7% tổng vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh; Nhật Bản đứng thứ hai với trên 2,33 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư; Hoa Kỳ đứng thứ ba với gần 2,31 tỷ USD, chiếm gần 20,5% tổng vốn đầu tư; Trung Quốc 31 dự án với tổng vốn đầu tư trên 314 triệu USD; Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Singapore, Indonesia…
Theo ông Komoto Tomoshi, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Castem Việt Nam (nhà đầu tư Nhật Bản đầu tiên đầu tư vào Khu Công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên), trước khi quyết định đầu tư vào Quảng Ninh, phía công ty đã có nghiên cứu, tìm hiểu về Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng.
Phía công ty của ông Komoto Tomoshi nhận định: Khu công nghiệp Sông Khoai gần sân bay, bến cảng, cùng với đó qua tìm hiểu thấy được nguồn lao động ở Việt Nam dồi dào, chăm chỉ; phía đơn vị cũng hài lòng với môi trường đầu tư tại Quảng Ninh nên đã quyết định đầu tư vào Khu công nghiệp Sông Khoai dự án xây dựng nhà máy sản xuất và kinh doanh các chi tiết cơ khí chính xác, trị giá gần 19 triệu USD. Ông Komoto Tomoshi mong muốn mở rộng hơn nữa sự phát triển của Castem tại Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng.
Cùng với thế mạnh về hạ tầng đồng bộ, Quảng Ninh là địa phương 6 năm liền xuất sắc giành vị trí dẫn đầu về về chất lượng điều hành kinh tế, với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính đã làm cho vùng “Mỏ” trở thành mảnh đất “màu mỡ” thu hút nguồn tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long, với vai trò đầu tư hạ tầng, kêu gọi các nhà đầu tư phân tích, yếu tố then chốt để hoạt động của khu công nghiệp thành công là tiến độ giao đất của chính quyền địa phương. Đối với tập đoàn Amata trong quá trình triển khai đầu tư hạ tầng đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ chính quyền tỉnh Quảng Ninh, của thị xã Quảng Yên trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho đơn vị. Ông Nhân cũng hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của chính quyền để các nhà đầu tư trong thực hiện các quy định, thủ tục triển khai dự án thuận lợi tại Quảng Ninh.
*Rải thảm đón nhà đầu tư
Những năm qua, Quảng Ninh đã ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, nhất là các công trình giao thông, công trình cấp điện, nước đến vị trí các dự án; đến chân hàng rào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tạo lợi thế trong thu hút đầu tư; đôn đốc các chủ đầu tư hạ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng theo quy hoạch.
Hàng năm, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đơn giá thuê đất, thủ tục đất đai, cấp mỏ đất, nhu cầu sử dụng điện, kết nối hạ tầng dự án,... để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp.
Về hạ tầng giao thông, tỉnh Quảng Ninh đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng về giao thông tới các cảng biển, sân bay và hạ tầng các khu công nghiệp; đồng thời, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải tham mưu triển khai dự án Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 4B để tăng cường kết nối Lạng Sơn với tỉnh Quảng Ninh, đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, kết nối Quảng Ninh - Lạng Sơn - Cao Bằng và kết nối nội vùng Đông Bắc - Tây Bắc…
Hiện, Quảng Ninh cũng đang triển khai các thủ tục để phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án giao thông kết nối liên vùng, kết nối vùng thấp với vùng cao, vùng động lực với vùng khó khăn; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công các dự án hạ tầng giao thông lớn đang triển khai trên địa bàn…
Trong buổi làm việc với các nhà đầu tư, ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: quan điểm, phương châm hành động của tỉnh là hiệu quả của doanh nghiệp là thành công của địa phương, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, các cơ quan chức năng của tỉnh cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án và sẽ giải quyết các vướng mắc, khó khăn thuộc về trách nhiệm của tỉnh 24/24h, kể cả ngày nghỉ…
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, sự đồng hành của chính quyền địa phương, các sở, ngành, thì công tác thu hút đầu tư vẫn còn gặp một số khó khăn về sự bất cập, chồng chéo giữa các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật Đấu thầu gây ra những vướng mắc cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình triển khai thủ tục pháp lý, trong khi nhà đầu tư lo ngại rủi ro và có tâm lý chờ đợi Luật Đất đai, Luật Đấu thầu mới được ban hành khiến các dự án thuộc danh mục dự án có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư chưa được các nhà đầu tư thực sự quan tâm.
Cùng với đó là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để giao đất cho các chủ đầu tư hạ tầng một số khu công nghiệp để thu hút đầu tư các dự án đầu tư còn chậm; các công trình hạ tầng về cấp điện, cấp nước tại các khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư trong việc nghiên cứu triển khai các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp gây khó khăn cho hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư.
Không những thế, nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao, sử dụng ngoại ngữ thành thạo đáp ứng nhu cầu của các dự án đầu tư FDI là một trong những rào cản lớn trong công tác xúc tiến đầu tư…cùng với đó là một số chính sách mới về thuế sẽ là những thách thức mà tỉnh Quảng Ninh và các nhà đầu tư sẽ phải đối mặt, tìm giải pháp vượt cản để đạt được mục tiêu thu hút 1,2 tỷ USD vốn FDI trong năm 2023, bao gồm cấp mới và điều chỉnh tăng vốn./.
- Từ khóa:
- Quảng Ninh
- vốn đầu tư
- FDI