Sau bão số 3, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đã huy động hàng nghìn người dân tham gia trục vớt, dọn rác thải trôi dạt, nỗ lực làm sạch môi trường biển.
Để khắc phục tình trạng hàng loạt rác thải bủa vây, gây mất an toàn giao thông đường thủy, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến việc tái khôi phục sản xuất của người dân, hàng nghìn người dân thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đồng loạt ra quân tham gia trục vớt, hót dọn rác thải trôi dạt nhiều trên sông, biển, đặc biệt là từ hoạt động nuôi trồng thủy sản sau khi bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào. Tuy nhiên với lượng rác khổng lồ, việc làm sạch môi trường sông, biển phải mất nhiều thời gian, công sức.
*Bắt tay làm sạch biển
Sau bão số 3, lượng rác thải trôi dạt vào các tuyến sông, biển do thị xã Quảng Yên quản lý rất lớn. Nhiều loại rác thải như: tre nứa, phao xốp, phao nhựa, lồng bè bị hư hỏng và các loại rác thải sinh hoạt, không chỉ ở trên địa bàn xã mà còn trôi dạt từ các nơi khác đến.
Có mặt tại khu vực bến Giang, phường Tân An, thị xã Quảng Yên ngày 25-26/9, phóng viên ghi nhận từng núi rác nồng nặc mùi từ các lồng bè nuôi trồng thủy sản đang dần được trục vớt lên. Để sớm làm sạch biển, các lực lượng, máy móc làm xuyên trưa, phối hợp với ngư dân lai dắt các bè từ ngoài biển vào khu vực sát bờ sau đó trục vớt lên đất liền.
Ngay khi bão qua, Quảng Yên đã huy động hàng nghìn người cùng máy móc hót dọn vệ sinh nhưng vẫn chưa thể làm sạch mặt sông, biển. Trước mắt, thị xã ưu tiên dọn dẹp, vớt rác thải cứng, khơi thông luồng lạch, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.
Ngâm mình nhiều giờ trong nước để vớt rác, chằng buộc các cây tre thành bó, buộc dây kéo vào máy cẩu để kéo vào bờ, anh Bùi Văn Đính (42 tuổi), dân quân tự vệ phường Tân An cho biết, rác dạt vào có rất nhiều loại, rác nổi trên mặt nước, rác chìm ở dưới biển, mặc dù ngâm mình trong nước cũng mệt nhưng vì công việc, vì môi trường chung sạch đẹp, anh và mọi người vẫn luôn cố gắng.
Anh Đống Văn Khương, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường Tân An cho biết, công tác trục vớt các bè gặp nhiều khó khăn, dân quân phải lội nước để buộc bè, vì chỉ để máy cẩu vớt lên sẽ không hiệu quả. Mặt khác, quá trình vớt bè cũng tùy thuộc vào mực nước lên xuống, khi nước to, việc kéo bè mới khả thi, nước rút không kéo được vào bờ.
Tương tự tại khu vực phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên, hàng trăm người cùng máy cẩu đang thu dọn rất nhiều bè mảng, rác thải dọc trên sông Chanh. Ông Lê Kỳ Hải, Phó Chủ tịch phường cho biết, phường huy động tất cả các lực lượng tại chỗ như dân quân tự vệ, lực lượng an ninh phối hợp với nhân dân. Trong 1 ngày có 5 tàu thu gom về địa bàn với khoảng 60 nhân lực cùng tham gia. Trong 2 ngày (23-24/9) phường cho bốc lên khoảng 500 tấn rác, hiện lượng rác dưới biển vẫn còn nhiều. Dự kiến phường sẽ triển khai dọn dẹp trong 15 ngày.
*Ra quân dọn sạch rác
Ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND Thị xã Quảng Yên thông tin, qua khảo sát sơ bộ, lượng rác trên dòng sông Chanh ước tính khoảng 10.000 tấn. Hiện thị xã đã huy động trên 2.000 lượt người lao động và lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng vũ trang trên địa bàn tham gia vào chiến dịch làm sạch môi trường trên sông, biển của thị xã mỗi ngày. Nhằm đảm bảo cho việc thu gom, xử lý rác, địa phương ưu tiên thu gom vật liệu cứng, cồng kềnh trước để đảm bảo cho giao thông đường thủy; sau đó sẽ dùng các phương tiện phù hợp để thu gom vật trôi nổi trên mặt sông, biển.
Khác với thu gom rác trên bờ, việc thu gom rác trên sông, biển khó khăn hơn. Không chỉ phụ thuộc vào con nước lên, xuống mà phương tiện, nhân lực, thời tiết..., cũng phải phù hợp. Mặt khác, theo dòng nước và hướng gió, tại nhiều khu vực, rác hôm nay đã được thu gom nhưng ngày mai rác lại trôi dạt về, các lực lượng lại tiếp tục phải thu gom. Bên cạnh đó, để đưa được các bè mảng vào bờ, cần phải có các tàu kéo lai dắt từ ngoài sông vào gần bờ để trục vớt.
Người dân thị xã Quảng Yên chủ yếu nuôi hàu và sử dụng các bè tre nặng vài tấn để nuôi. Trên địa bàn thị xã có hơn 700 hộ nuôi trồng thủy, hải sản với số lồng bè theo kiểm kê gần 900 bè. Khi bão vào, việc di dời các bè nuôi vào các vùng tránh trú trong thời gian ngắn gần như không khả thi. Do vậy, sau bão số 3, người dân bị thiệt hại nặng nề, gần như không còn gì, các bè bị đánh vỡ, phá hủy hoàn toàn; điều này cũng đồng nghĩa với việc lượng rác thải từ đây nhân lên gấp bội.
Khó khăn nhất hiện nay là vật trôi nổi di chuyển theo dòng chảy của nước thủy triều nên rác có thể trôi dạt trở lại những địa bàn đã được làm sạch trước đó. Do vậy thị xã xác định đây là công việc phải tiến hành trong khoảng thời gian khá dài mới đảm bảo được trạng thái môi trường như ban đầu. Trong khi đó, nguồn ngân sách để thực hiện chiến dịch thu gom rác thải khó khăn, địa phương phải huy động nguồn lực xã hội hóa để kịp thời thu gom, xử lý rác thải, đảm bảo giao thông đường thủy và môi trường, ông Trần Đức Thắng- Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên thông tin thêm.
Trung Tá Bùi Duy Tuấn, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã cho biết, sau khi cơn bão số 3 đi qua, đơn vị nhanh chóng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức đánh giá hậu quả cơn bão để lại; huy động lực lượng vũ trang trên địa bàn kiểm tra, tổ chức các lực lượng đi giúp đỡ bà con, dọn rác. Đồng thời, đơn vị nhanh chóng đánh giá hậu quả trên sông, biển để tổ chức các lực lượng cùng chính quyền địa phương các cấp phát động phong trào làm sạch môi trường biển. Sau 4 ngày tổ chức, cơ bản đảm bảo an toàn giao thông thủy; rác thải tại các vị trí ở xa đã và đang được tàu kéo vào gần bờ, sau đó trục vớt lên điểm tập kết.
Trước đó, để ra quân thu gom các bè trên sông, biển, UBND thị xã đã yêu cầu các xã, phường phát đi thông báo để các hộ nuôi trồng thủy sản rà tìm lại các lồng bè bị thất lạc, tận thu các vật liệu lồng bè có thể tái sử dụng, do vậy việc đồng loạt làm sạch sông, biển, luồng lạch bị trễ lại so với kế hoạch của tỉnh. Trong 4 ngày ra quân, các lực lượng đã trục vớt lên bờ hàng nghìn tấn rác, với khối lượng rác lớn còn chìm, nổi, thị xã dự kiến sẽ triển khai chiến dịch trong 15 ngày./.
- Từ khóa:
- Quảng Yên
- làm sạch
- môi trường biển