Đây là những chuẩn mực quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên, từ cán bộ cấp chiến lược, cấp cao đến cán bộ cấp cơ sở tổ chức thực hiện nghiêm túc.
Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Trung ương về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức, nhất là trong giai đoạn hiện nay Đảng ta đang đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đó là ý kiến của nhiều cán bộ, đảng viên ở tỉnh Vĩnh Long khi Quy định được ban hành.
* Cẩm nang xây dựng Đảng về đạo đức
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Hiếu Nghĩa cho biết, Quy định số 144 là bước cụ thể hóa Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Trung ương về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức, nhất là trong giai đoạn hiện nay Đảng ta đang đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Theo ông Nguyễn Hiếu Nghĩa, việc ban hành Quy định số 144 là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, phát huy ưu điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Quy định gồm 6 Điều với 21 Điểm quy định cụ thể các yêu cầu, tiêu chí về chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên. Nội dung quy định rất ngắn gọn, cụ thể, bao hàm toàn diện các yêu cầu về phẩm chất đạo đức cách mạng để mỗi cán bộ, đảng viên, từ cán bộ cấp Trung ương đến cấp cơ sở thực hiện nghiêm túc. Đây còn là cơ sở để tất cả đảng viên tự phấn đấu rèn luyện, tự soi, tự sửa và không ngừng hoàn thiện bản thân mình để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang cho rằng, Quy định số 144 thể hiện 5 chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Nội dung rất ngắn gọn, cụ thể, nhưng đã bao hàm một cách toàn diện các quy định người cán bộ, đảng viên phải thực hiện đối với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc, cho đến các yêu cầu cụ thể về phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Đây là những chuẩn mực quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên, từ cán bộ cấp chiến lược, cấp cao đến cán bộ cấp cơ sở tổ chức thực hiện nghiêm túc.
Việc ban hành Quy định số 144 là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, được xem là “một cẩm nang xây dựng Đảng về đạo đức”, hướng đến mục tiêu hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đồng thời, đó cũng là căn cứ quan trọng để chuẩn bị tốt cho công tác nhân sự đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
* Thống nhất trong suy nghĩ và hành động
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang chia sẻ, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Người khẳng định, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn xác định xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ là nhiệm vụ quan trọng, là “then chốt của then chốt”.
Hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới với nhiều thuận lợi và thách thức, khó khăn đan xen, đòi hỏi phải có quyết tâm, khí thế, động lực mới. Quy định 144-QĐ/TW và Quy định 148-QĐ/TW cùng với một số Quy định mới của Trung ương được ban hành, triển khai rộng rãi, quán triệt sâu sắc, bảo đảm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; nguyên tắc tập trung dân chủ; công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, giữ gìn đoàn kết nội bộ; phát huy trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị trong việc chủ động lựa chọn cán bộ cấp phó để giúp việc cho mình, vừa xây dựng tập thể cán bộ lãnh đạo có đủ năng lực, phẩm chất, đoàn kết, cùng hành động vì lợi ích chung.
Theo ông Nguyễn Hiếu Nghĩa, từ thực tiễn thời gian qua, một số cán bộ lãnh đạo, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao phải nhận kỷ luật Đảng, chịu trách nhiệm của người đứng đầu do để cấp dưới vi phạm khuyết điểm, cho thấy vai trò nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện công tác cán bộ là một vấn đề mới đặt ra trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Cùng với Quy định số 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy định số 142-QĐ/TW, ngày 23/4/2024 về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ và Quy định số 148-QĐ/TW, ngày 23/5/2024 về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp duới có dấu hiệu vi phạm... Việc ban hành các quy định trên là một bước tiến mới trong công tác cán bộ, nhằm tiếp tục khuyến khích, tạo sự minh bạch, khách quan, công tâm hơn trong công tác cán bộ. Bên cạnh đó, các quy định trên cũng tạo sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong quá trình thực hiện theo suy nghĩ cùng một hướng, cũng như nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Quy định 142 là tín hiệu tích cực để làm sao giúp người đứng đầu có trách nhiệm rõ ràng, đồng thời sẵn sàng chịu trách nhiệm của mình khi giới thiệu cán bộ. Đồng thời, quy định nâng cao ý thức, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, giới thiệu cán bộ kế cận, kế tiếp cũng như trong xử lý cán bộ nếu có vi phạm. Đây chính là kỳ vọng của nhân dân về đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị có đầy đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, trung thực, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động chung vì lợi ích của đất nước, của dân tộc. Đội ngũ cán bộ này rất cần thiết trong điều kiện hiện nay để góp phần xây đựng đất nước phát triển, phồn vinh trong thời gian tới.
* Nhân sự tham gia vào cấp ủy phải “trúng” và “đúng”
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Hiếu Nghĩa cho biết, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới; Chỉ thị 35 về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng vừa qua, Thường trực Ban Bí thư đã nhấn mạnh, chọn nhân sự tham gia vào cấp ủy đại hội các cấp phải “trúng” và “đúng”. Để chuẩn bị cho công tác nhân sự trong nhiệm kỳ 2025-2030 gắn với các định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã chủ động xây dựng Kế hoạch để thực hiện công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 – 2030; đồng thời, tiến hành tổ chức kiểm tra các cấp ủy đảng trực thuộc về công tác nhân sự để chuẩn bị cho nhân sự mới tốt hơn.
Theo đó, về tiêu chuẩn của cấp ủy khóa mới đảm bảo đúng theo quy định, nhân sự cấp ủy khóa mới là những đồng chí tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, tận tụy với công việc; bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tỉnh không bỏ sót những người có đức có tài để tham gia cấp ủy lần này và kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có các khuyết điểm đã được quy định cụ thể.
Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ thực hiện đúng quy trình về nhân sự tái cử, nhân sự mới đảm bảo đúng theo quy định của Đảng. Tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội và người dân trong việc lựa chọn nhân sự trong thời gian tới để phát huy ưu điểm, đồng thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót của cán bộ để từ đó có thể uốn nắn, chấn chỉnh hoặc không đưa vào tham gia cấp ủy trong thời gian tới.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang cho biết, tiếp thu, quán triệt Quy định số 144, trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long lãnh đạo cụ thể hóa những nội dung cốt lõi, căn bản phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, xây dựng và ban hành hướng dẫn triển khai, thực hiện Quy định trên địa bàn tỉnh, bổ sung nội dung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XII.
Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng sẽ định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản, cốt lõi của Quy định số 144 trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tờ tin, bản tin của ngành, địa phương, trên mạng xã hội và các trang, nhóm của Ban Chỉ đạo 35, Ban Chỉ đạo Thông tin đối ngoại của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và chuyên mục “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống” trên đài truyền thanh cấp huyện và cơ sở.
Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động, thường xuyên nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội; kịp thời đấu tranh phản bác các các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc nội dung của Quy định, nhất là trên không gian mạng; tham mưu gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Quy định số 144 với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và công tác chuẩn bị văn kiện, nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp trong tỉnh, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030./.