Tọa đàm "Ra khỏi màn sương" là những chia sẻ và lát cắt trong cuộc đời của hai mẹ con: chị Châu Thị Say và em Má Thị Di, ở thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
TTXVN - Ngày 5/7, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tập đoàn phát triển Thịnh Vượng Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Ra khỏi màn sương”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án thành phần số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030”, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện.
Thông tin tại tọa đàm cho biết, hiện nay, phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số đã và đang phải đối mặt với nhiều quan niệm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng, trao cơ hội phát triển bình đẳng. Trong đó, phải kể đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tục “kéo vợ”... đã để lại nhiều hệ lụy trực tiếp, lâu dài cho không chỉ phụ nữ, trẻ em gái mà còn cho cả gia đình và xã hội. Đây chính là những rào cản, "màn sương" vô hình cản bước chân của những người phụ nữ vùng cao trong hành trình đi tìm hạnh phúc.
Tọa đàm "Ra khỏi màn sương" là những chia sẻ và lát cắt trong cuộc đời của hai mẹ con: chị Châu Thị Say và em Má Thị Di, ở thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Em Má Thị Di (người dân tộc Mông, sinh năm 2004) đã dũng cảm đấu tranh và thoát khỏi việc bị kéo về làm vợ một người mà em không yêu, vượt qua định kiến, tìm kiếm được hạnh phúc cho mình. Câu chuyện của Di về hành trình trưởng thành và đưa ra quyết định quan trọng trong cuộc đời đã được phản ánh thú vị, sinh động, chân thực trong bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” của nữ đạo diễn trẻ người Tày - Hà Lệ Diễm. Bộ phim đã giành 34 giải thưởng và đề cử tại các Liên hoan Phim trên thế giới. Phim lọt vào Shortlist - danh sách rút gọn (top 15) giải Oscars - hạng mục Phim tài liệu xuất sắc nhất. Năm 2023, bộ phim đoạt giải thưởng Phim hay nhất - Hạng mục phim châu Á tại Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất.
Chị Châu Thị Say là mẹ đẻ của Má Thị Di (sinh năm 1982). Giống như những phụ nữ Mông khác, chị Say đã trải qua hôn nhân theo truyền thống của dân tộc mình. Trong câu chuyện của Di, là một người mẹ, để bảo vệ tương lai và hạnh phúc của con gái, chị Châu Thị Say đã có sự đấu tranh giữa việc nên theo tục lệ xưa nay của dân tộc mình hay tôn trọng quyết định và hạnh phúc của con trẻ.
Hai thế hệ, hai suy nghĩ với những giằng xé, tranh đấu nội tâm sâu sắc để đưa ra quyết định quan trọng cho tương lai trước những rào cản vô hình đã hằn sâu trong tâm thức của cộng đồng người Mông bao đời qua. Hành trình đi tìm hạnh phúc với đầy đủ đắng, cay, mặn, ngọt của những thành viên trong cùng một mái nhà đã được hai mẹ con chị Châu Thị Say và em Má Thị Di chia sẻ với khách mời, công chúng tại tọa đàm.
Tại tọa đàm, một số khách mời đã chia sẻ nhiều ý kiến liên quan đến các tập tục ở một số dân tộc thiểu số và miền núi cùng kinh nghiệm để nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến của phụ nữ và trẻ em…
Dự án thành phần số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vẫn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” là một trong 10 dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021. Dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Dự án 4 nội dung. Đó là tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em; xây dựng, nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ, trẻ em. Tiếp đó là việc đảm bảo tiếng nói, sự tham gia thực chất của phụ nữ, trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, giám sát, phản biện xã hội, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng./.