Xã hội

Xóa bỏ các tập tục lạc hậu, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống

Bắc Giang

Nhiều phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số đang phải đối mặt với nhiều quan niệm, hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến việc thụ hưởng quyền con người. Bên cạnh đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, các tập tục ma chay, hiếu hỉ kéo dài và tốn kém.

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

TTXVN - Sáng 22/6, tại thành phố Bắc Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội thảo "Xóa bỏ các tập tục văn hóa có hại cho sức khỏe, thực hiện nếp sống văn hóa mới". Đây là sự kiện trong chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương chủ trì Hội thảo. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn; lãnh đạo Hội Người Cao tuổi Việt Nam, Ủy ban Dân tộc và Hội Liên hiệp Phụ nữ 50 tỉnh, thành phố, đơn vị trong cả nước đã dự.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu đề dẫn. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, hiện nay, nhiều phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số đang phải đối mặt với nhiều quan niệm, hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến việc thụ hưởng quyền con người. Bên cạnh đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, các tập tục ma chay, hiếu hỉ kéo dài và tốn kém, những thói quen sinh hoạt ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe của người dân... vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước.

Theo số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 của Tổng cục Thống kê, Tây Nguyên có tỷ lệ tảo hôn cao nhất (năm 2018, con số này là 27,5%); tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc (24,6%) và Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (22,4%). Tỷ lệ người dân tộc thiểu số kết hôn cận huyết thống năm 2018 là 5,6%.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, với những giá trị phổ quát về quyền con người, quyền phụ nữ, quyền trẻ em và sự phát triển của công nghệ, nhiều tập tục đã trở nên quá lạc hậu, đang cản trở và thậm chí kéo lùi tiến trình phát triển của con người nói chung và phụ nữ, trẻ em gái nói riêng. Để có thể xóa bỏ, giảm thiểu các tập tục văn hóa có hại, các hủ tục ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái dân tộc thiểu số rất cần sự chung tay của nhiều cơ quan, ban, ngành và sự thay đổi từ trong quan niệm của chính đồng bào và chị em các dân tộc.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề đặt ra về cơ chế, chính sách, quy định; chỉ ra các tập tục đang diễn ra tại các địa bàn dân tộc thiểu số; đồng thời, đề xuất các giải pháp, mô hình hiệu quả, cách làm nhằm thay đổi quan niệm, thái độ và hành vi đối với các tập tục văn hóa có hại cho sức khỏe, giảm thiểu và đi đến xóa bỏ các tập tục lạc hậu, giữ gìn những nét đẹp trong văn hóa truyền thống các tộc người.

Chi Cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Bắc Giang Lê Tố Quyên phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Bắc Giang Lê Tố Quyên, đối với công tác dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh đang tập trung triển khai và giải quyết các nội dung như kiểm soát quy mô dân số, bảo đảm ổn định và phát triển; tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chính sách dân số. Hàng năm, địa phương tổ chức chiến dịch tăng cường truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng đông dân có mức sinh cao; thực hiện chính sách hỗ trợ phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách; kiểm soát vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phối hợp và tuyên truyền về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính khi sinh.

Các đại biểu tham quan triển lãm tranh về phụ nữ. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp xóa bỏ tập tục văn hóa có hại sức khỏe, thực hiện nếp sống văn hóa mới như: Tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể đối với việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh đổi mới phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân cận huyết thống; phát huy vai trò của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng hương ước, quy ước, dần xóa bỏ các tập tục lạc hậu.../.

Đồng Thúy

Tin liên quan

Xem thêm