Tập tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội” khắc họa hình tượng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh giai đoạn từ đầu năm 1941 đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công.
Tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội” – tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2023). Sách do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành.
Tập tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội” khắc họa hình tượng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong giai đoạn từ đầu năm 1941 đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Chiều 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cũng giống 2 tập đầu, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ vẫn nhất quán với lối tự sự biên niên sử, chủ động tạo cho mạch truyện trôi theo trật tự thời gian tuyến tính. Người kể chuyện nêu lại những biến cố, sự kiện quan trọng đã thực sự xảy ra; con người có thật hay hư cấu đều xoay quanh nhân vật Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Nhưng tác giả luôn đứng vững trên địa hạt sáng tạo của văn chương để soi rọi, phản ánh chiều sâu bên trong của nhân vật, nhất là tư tưởng, tình cảm, tâm hồn, suy nghĩ, tài năng và phẩm cách của nhân vật trung tâm.
Bối cảnh của tập 3 (từ năm 1941 đến 1945), lúc này tình hình cách mạng Việt Nam tuy bề ngoài âm thầm nhưng sôi sục bên trong để chờ thời cơ bùng lên cơn bão táp lớn... Đọc tập này, người đọc sẽ có thêm những bất ngờ thú vị khi biết thêm về các hoạt động phong phú, tầm nhìn chiến lược, sắc sảo của lãnh tụ Hồ Chí Minh khi Người hoạt động ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên; nhiều chuyến qua lại biên giới Việt - Trung như con thoi của Người để móc nối liên lạc với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tập này cũng đề cập đến việc Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giam giữ hơn một năm, đày ải qua hàng chục nhà lao lớn nhỏ; hoàn cảnh ra đời của các bài thơ trong “Nhật ký trong tù”; tấm lòng quý mến của người dân Trung Quốc với Hồ Chí Minh và các đồng chí. Tiếp đó là nội dung liên quan đến sự kiện Người trở về nước, tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta đi đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945...
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cho biết, tập 4 của bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” dự kiến sẽ ra mắt trước ngày 2/9/2024 và tập 5 ra mắt vào dịp 19/5/2025. Cùng với bộ tiểu thuyết 5 tập sẽ có 5 vở sân khấu cùng tên song hành.
Bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” gồm 5 tập. Tập 1 là “Nợ nước non”, xuất bản năm 2022, khắc họa hình tượng Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành từ khi còn nhỏ, cho đến khi làm thầy giáo ở trường Dục Thanh, Phan Thiết, rồi vào Sài Gòn để ngày 5/6/1911 vượt trùng khơi ra đi tìm đường cứu nước.
Tập 2 “Lênh đênh bốn biển”, xuất bản năm 2023, khắc họa hình tượng Nguyễn Tất Thành, trong tên mới Nguyễn Văn Ba, lên tàu sang Pháp. Ở Pháp, Người cùng các cụ Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và một số người yêu nước gốc Việt gửi “Yêu sách của nhân dân An Nam” đến Hội nghị Versaille (1919); tham dự Đại hội XVIII của Đảng Xã hội Pháp tại Thành phố Tours, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ III và là một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Người đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tiếp thu sơ thảo Luận cương của V.I. Lenin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Qua 30 năm bôn ba từ Đông sang Tây, từ Tây về Đông qua Pháp, Anh, Mỹ, châu Phi, châu Úc, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan…, đến ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng, Hồng Kông (Trung Quốc), Người đại diện cho Quốc tế Cộng sản triệu tập Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản trong nước thành chính đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 28/1/1941, Người trở về Việt Nam.
Hiện tại, vở diễn sân khấu “Nợ nước non” do Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên làm đạo diễn đã ra mắt, phục vụ công chúng cả nước. Nếu tập 4 và tập 5 của Bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” được hoàn thành đúng dự kiến, thì đây sẽ là bộ tiểu thuyết đầu tiên của văn học đương đại Việt Nam phản ánh đầy đủ, sâu sắc và sinh động về thân thế, sự nghiệp cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh.../.