Rà soát, chấn chỉnh việc tự đặt ra thêm một số thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân
Hiện nay, Tây Ninh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đang bị sụt giảm rất mạnh. Năm 2018, Tây Ninh đứng thứ 14 của cả nước, nhưng năm 2022, tỉnh lại xếp thứ 55/63 tỉnh thành phố về chỉ số PCI.
TTXVN - Ngày 28/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tổ chức tiếp xúc cử tri là lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu thông tin đến cử tri dự kiến thời gian, nội dung chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sắp tới.
Cơ bản đồng thuận với các nội dung, chương trình của kỳ họp, cử tri Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho rằng: Hiện nay, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tiếp cận được nguồn đất công để canh tác và nhiều năm nay gần như không có hợp tác xã nông nghiệp nào được Nhà nước giao đất nên gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, tiêu chí các xã xây dựng nông thôn mới quy định ít nhất phải có 1 hợp tác xã, nhiều địa phương hợp thức hóa thành lập hợp tác xã nhưng chỉ có tên gọi, các hoạt động gần như chỉ để chống chế.
Cử tri kiến nghị Quốc hội cần xem xét, có cơ chế, quy định ưu tiên lượng đất công giao cho hợp tác xã hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế.
Đối với vấn đề suy thoái kinh tế, cử tri Nguyễn Đình Xuân cho rằng, dấu hiệu suy thoái kinh tế đã có từ quý 4/2022, tuy nhiên, các ứng phó của Việt Nam đối với suy thoái kinh tế là chưa tương xứng, gần đây mới thực sự quan tâm. Các ngành, các cấp từ Trung ương đến từng địa phương cần phân tích tính chủ quan, khách quan theo từng lĩnh vực. Quốc hội cần quan tâm và có giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn từng ngành của nền kinh tế.
Một số cử tri đại diện các doanh nghiệp nêu kiến nghị các ngành, các cấp cần chấn chỉnh tình trạng một số ngân hàng thương mại cố tình lợi dụng các chính sách giải ngân vốn vay để ràng buộc người vay vốn phải tham gia các loại bảo hiểm, khoản phí… “theo hình thức tự nguyện chấp nhận mua” để được thuận lợi khi giải ngân. Việc vận động các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh vẫn còn mang tính chất hình thức, mức hạ lãi suất chưa đáng kể.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho biết, tại phiên họp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, một số đại biểu đã phản ánh ở một số địa phương, ngành tự đặt ra thêm một số loại thủ tục hành chính không cần thiết khác theo quy định, gây phiền hà cho người dân, đang được tỉnh rà soát chấn chỉnh.
Hiện nay, Tây Ninh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đang bị sụt giảm rất mạnh. Năm 2018, Tây Ninh từng là tỉnh đứng thứ hạng 14 của cả nước, nhưng năm 2022, tỉnh lại xếp thứ 55/63 tỉnh thành cả nước về chỉ số PCI.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của các cử tri; những ý kiến, kiến nghị sẽ được Đoàn chuyển đến các đơn vị có chức năng và trả lời tại kỳ tiếp xúc cử tri tiếp theo./.