Việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật bám sát quan điểm chỉ đạo, mục tiêu thực hiện Đề án 06; bảo đảm sự phù hợp, thống nhất của hệ thống pháp luật.
TTXVN - Ngày 22/9, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp - Cơ quan thường trực của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Duy Thắng cho biết, tính đến hết ngày 15/9/2023, Bộ Tư pháp nhận được báo cáo kết quả của 19/24 bộ, cơ quan trung ương, 61/63 địa phương đối với kết quả rà soát văn bản phục vụ triển khai Đề án 06; 17/23 bộ, cơ quan trung ương, 58/63 địa phương đối với việc rà soát văn bản theo Luật Giao dịch điện tử.
Kết quả, số văn bản quy phạm pháp luật cần xử lý là 350; đã xử lý 35 văn bản; có 69 kiến nghị liên quan đến 59 văn bản không thuộc phạm vi văn bản cần rà soát hoặc chưa chính xác, hợp lý; có 39 kiến nghị liên quan đến 30 văn bản và 5 vấn đề mới cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá.
Theo ông Nguyễn Duy Thắng, việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật bám sát quan điểm chỉ đạo, mục tiêu thực hiện Đề án 06; bảo đảm sự phù hợp, thống nhất của hệ thống pháp luật. Việc rà soát tập trung một số vấn đề về chuyển đổi phương thức thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự từ phương thức trực tiếp sang thực hiện trên môi trường điện tử; quy định việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; bổ sung quy định về giá trị sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử, giá trị sử dụng của các thông tin được tích hợp trong thẻ căn cước công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, xử lý vi phạm hành chính...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu lên một số khó khăn, hạn chế trong quá trình rà soát văn bản. Cụ thể, phạm vi văn bản rà soát rộng, mục tiêu lớn, căn cứ rà soát chưa được xác định cụ thể. Thời gian thực hiện ngắn, nguồn lực chưa tương xứng với khối lượng, tính chất nhiệm vụ. Nhận thức của các cơ quan, địa phương về một số vấn đề trong việc triển khai Đề án 06 chưa thống nhất, dẫn đến việc xác định nội dung cần rà soát và đề xuất phương án xử lý văn bản chưa bảo đảm. Các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật bảo đảm triển khai Đề án 06 còn chưa đồng bộ, hoàn thiện, dẫn đến khó khăn trong việc xác định phương án xử lý và lộ trình xử lý văn bản…
Trên cơ sở kết quả rà soát, Tổ công tác về rà soát văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các cơ quan liên quan có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu, xem kết quả rà soát này là nguồn dữ liệu đầu vào phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật./.