Hoạt động diễn tập nhằm nâng cao khả năng tổ chức chỉ huy chữa cháy rừng hiệu quả ở cấp cơ sở; dập tắt đám cháy khi mới phát sinh, không để cháy lớn xảy ra.
TTXVN - Ngày 10/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức diễn tập phương án chữa cháy rừng cấp tỉnh năm 2024 tại khu Bảo tồn cây tre, tràm (thuộc Rừng tràm Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh). Buổi diễn tập diễn ra trên diện tích 25 ha; trong đó, đốt chủ động phục vụ diễn tập 0,5 ha lau, sậy tự nhiên.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Trưởng Ban Chỉ đạo diễn tập cho biết, hoạt động nhằm nâng cao khả năng tổ chức chỉ huy chữa cháy rừng hiệu quả ở cấp cơ sở; chỉ đạo xây dựng cơ chế vận hành, công tác phối hợp tác chiến giữa các lực lượng, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống giả định xảy ra, nhanh chóng khống chế, dập tắt đám cháy khi mới phát sinh, không để cháy lớn xảy ra. Qua đó, nâng cao kỹ năng sử dụng các trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và năng lực thực hành của các lực lượng tham gia chữa cháy rừng. Từ đó có sự điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng để chủ động, sẵn sàng trong mọi tình huống, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Buổi diễn tập nhằm rà soát, kiểm tra khả năng huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các cơ quan, đơn vị, cơ sở trên địa bàn tham gia xử lý các tình huống cháy, nổ lớn, phức tạp; đánh giá đúng tính năng, tác dụng, hiệu quả thực tế của các loại phương tiện, thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, thông tin liên lạc và công tác hậu cần để đầu tư, cung cấp hợp lý. Đồng thời, hoạt động nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành của địa phương, giữa các lực lượng chữa cháy rừng các cấp, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Qua đó, góp phần tuyên truyền sâu rộng đến các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương và người dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố cháy rừng, không để xảy ra sự cố, thảm họa gây thiệt hại về người và tài sản, làm mất an ninh, trật tự trên địa bàn và ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, đời sống của nhân dân.
Buổi diễn tập đã huy động hơn 300 người thuộc lực lượng cơ sở Ban Quản lý Rừng tràm Gáo Giồng; lực lượng bán chuyên trách Đội phòng cháy, chữa cháy vành đai rừng; Công an tỉnh; Bộ đội Biên phòng tỉnh; các sở, ngành và Ủy ban nhân dân huyện Cao Lãnh, Thanh Bình. Ngoài ra, buổi diễn tập đã huy động 37 xe các loại chuyên dùng chở lực lượng, phương tiện; xe chữa cháy, 20 máy bơm chữa cháy; 10 máy bơm nước cầm tay...
Rừng tràm Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh) là một trong 10 đơn vị rừng của tỉnh có nhiều biện pháp phòng, chống cháy rừng hiệu quả nhất với nhiều biện pháp như: tạo đường băng trắng, đường băng xanh, công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng cho người dân vùng lân cận; sẵn sàng các phương tiện phục vụ công tác bảo vệ rừng tràm vào mùa khô 2024.
Ông Huỳnh Thanh Hiền, Trưởng Ban quản lý Rừng tràm Gáo Giồng cho biết, Gáo Giồng có tổng diện tích rừng hơn 1.489 ha; trong đó có 1.200 ha là rừng tràm. Hàng năm, Ban Quản lý đều tạo đường băng trắng, đường băng xanh. Đây là hai biện pháp hiệu quả nhất hiện nay trong công tác bảo vệ rừng tràm vào mùa khô.
Theo ông Nguyễn Tấn Thành, Chi cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp, hiện nay, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài kèm theo thiếu hụt lượng mưa. Dự báo, cháy rừng cấp IV có 5 khu vực và cấp V có 5 khu vực. Điều này cho thấy, nguy cơ cháy rừng rất cao. Do đó, các chủ rừng chủ động đưa nước vào rừng giữ ẩm, thường xuyên vận hành máy chữa cháy 2 lần/tuần. Lãnh đạo các đơn vị quản lý rừng phân công trực 24/24 giờ tại Ban Chỉ huy Phòng cháy, chữa cháy rừng cơ sở, trạm chốt, đài quan sát; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tập trung vào các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao để phát hiện cháy sớm và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, gây cháy rừng; chủ động xử lý kịp thời khi xảy ra cháy rừng theo phương châm bốn tại chỗ.
Đồng Tháp hiện có 11 ngàn ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích đất có rừng hơn 6 ngàn ha. Địa phương có 10 đơn vị, chủ rừng phân bố trên địa bàn 4 huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười và Cao Lãnh./.
- Từ khóa:
- Đồng Tháp
- diễn tập
- phòng cháy rừng
- bảo vệ rừng tràm