Đến nay, có hơn 26.000 trẻ em tìm được gia đình thay thế trong nước, gần 4.000 trẻ em khuyết tật nặng, mắc bệnh hiểm nghèo tìm được gia đình thay thế ở nước ngoài.
TTXVN - Trong 2 ngày 9 - 10/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp phối hợp cùng Ủy ban Con nuôi quốc tế Italy (CAI - cơ quan thuộc Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Italy) tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về mô hình dịch vụ hỗ trợ nuôi con nuôi của Italy. Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cơ quan chuyên môn và đơn vị, ngành, địa phương có liên quan trao đổi, thảo luận, tìm giải pháp tối ưu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác nuôi con nuôi cũng như chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Trần Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Con nuôi, Bộ Tư pháp Việt Nam nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em tiếp cận bình đẳng nguồn lực, hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội; đồng thời khẳng định, việc nuôi con nuôi còn vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi; bảo đảm con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình và tôn trọng quyền của trẻ em…
Theo ông Đặng Trần Anh Tuấn, ý kiến, góp ý từ chuyên gia trong và ngoài nước sẽ giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác giải quyết nuôi con nuôi có cái nhìn rộng hơn; đồng thời tăng cường năng lực trong việc nghiên cứu, xây dựng, triển khai mô hình, các dịch vụ hỗ trợ nuôi con nuôi. Đây còn là kênh tham khảo để cơ quan chức năng hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 và Nghị định 24/2019/NĐ-CP ngày 5/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi trước khi trình Chính phủ.
Ông Đặng Trần Anh Tuấn đánh giá cao chương trình hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Italy trên cơ sở Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Italy năm 2003, Công ước La Hay số 33 đã có được kết quả tốt đẹp.
Bộ Tư pháp đang soạn thảo Dự thảo Nghị định mới nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết, thủ tục hành chính; khắc phục khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác giải quyết nuôi con nuôi và công tác xã hội trong lĩnh vực nuôi con nuôi; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan; các yêu cầu nuôi con nuôi theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…
Cùng quan điểm, ông Vincenzo Starita, Phó Chủ tịch Ủy ban Con nuôi quốc tế Italy (CAI) đánh giá: Chương trình hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Italy trong những năm qua đã góp phần tạo nên nhiều gia đình mới đa sắc tộc, tôn trọng bản sắc cá nhân và cuộc sống trẻ em Việt Nam. Tuy đạt được những kết quả khả quan nhưng hai bên (giữa nước cho trẻ em làm con nuôi và nước nhận trẻ em làm con nuôi) cần tiếp tục khắc phục điểm yếu, khó khăn, tìm ra giải pháp tốt nhất có thể chuyển thành hành động thực tế nhằm đảm bảo lợi ích cao nhất của mỗi trẻ em bị bỏ rơi hoặc trẻ em không nơi nương tựa.
Ông Vincenzo Starita tin tưởng, việc nuôi con nuôi là công cụ phụ trợ để bảo vệ trẻ em, trong đó, quyền cơ bản của trẻ em là được lớn lên và giáo dục trong gia đình là vấn đề cốt lõi…
Theo Vụ Con nuôi, Bộ Tư pháp, pháp luật về nuôi con nuôi ở Việt Nam cơ bản đã hoàn thiện và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; công tác giải quyết nuôi con nuôi đi vào nền nếp. Đến nay, có hơn 26.000 trẻ em tìm được gia đình thay thế trong nước, gần 4.000 trẻ em khuyết tật nặng, mắc bệnh hiểm nghèo tìm được gia đình thay thế ở nước ngoài.
Từ thực tiễn, bà Phạm Thị Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Con nuôi, Bộ Tư pháp chia sẻ mối quan hệ nuôi con nuôi thất bại do người nhận nuôi con và trẻ được nhận làm con nuôi chưa chuẩn bị tâm lý, tập huấn, trang bị kỹ năng cần thiết. Việc đánh giá điều kiện nuôi con nuôi mới chỉ tập trung yếu tố pháp lý, chưa chú trọng yếu tố tâm lý, gia đình, xã hội…
Định hướng công tác xã hội và hỗ trợ trong giải quyết việc nuôi con nuôi thời gian tới, bà Phạm Thị Kim Anh cho rằng, cần xây dựng mô hình triển khai công tác xã hội, hỗ trợ theo quy định. Trong đó, nhiệm vụ chung là đánh giá nguy cơ và xác định nhu cầu của trẻ em cần được bảo vệ; tham gia quá trình xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi. Đặc biệt đẩy mạnh tư vấn, cung cấp thông tin, hướng dẫn trẻ em và cha, mẹ, người chăm sóc trẻ tiếp cận dịch vụ bảo vệ trẻ em, trợ giúp xã hội, y tế, giáo dục, pháp lý và nguồn trợ giúp khác…
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đánh giá tính cần thiết của công tác hỗ trợ trong quy trình giải quyết nuôi con nuôi ở Việt Nam; vai trò của tổ chức con nuôi trong hệ thống nuôi con nuôi quốc tế; các giai đoạn của quá trình nhận con nuôi từ trước khi nhận con nuôi đến việc xác định cha mẹ nuôi trong tương lai và hỗ trợ việc ghép trẻ phù hợp. Các đại biểu trao đổi, thảo luận xoay quanh vấn đề cách chăm sóc trong việc nhận con nuôi quốc tế, kết quả nghiên cứu khủng hoảng nuôi con nuôi và diễn biến trong tương lai; thực trạng dịch vụ công tác xã hội và hỗ trợ về nuôi con nuôi tại Việt Nam, định hướng thực hiện công tác xã hội trong giải quyết nuôi con nuôi ở Việt Nam trong giai đoạn tới./.