Khoa học

Sáng chế Việt hướng tới bảo vệ môi trường

Nghiên cứu tạo ra, bảo hộ và khai thác các sáng chế Việt liên quan đến bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề ô nhiễm đang ngày càng được chú trọng, khuyến khích phát triển

Kỹ sư Vũ Tiến Anh với công nghệ xử lý nước MET
Ảnh: TTXVN

Việc bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường nhận được nhiều quan tâm của xã hội. Điều này cho thấy việc nghiên cứu tạo ra, bảo hộ và khai thác các sáng chế Việt liên quan đến bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề ô nhiễm đang ngày càng được chú trọng, khuyến khích phát triển, thúc đẩy thương mại hóa.

* Start-up nhựa sinh học giải bài toán phát triển xanh Việt Nam

Start-up nhựa sinh học Buyo Bioplastics vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ tôn vinh tại Cuộc thi Tìm kiếm tài năng Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia Techfest Việt Nam 2023. Buyo Bioplastics sẽ đại diện Việt Nam tham gia các đấu trường khởi nghiệp quốc tế tại Hàn Quốc, Singapore…

Buyo Bioplastics là công ty startup nhựa sinh học 100% nguồn gốc tự nhiên với công nghệ độc quyền sáng chế. Sản phẩm có khả năng phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên và an toàn cho sức khỏe, có tính chất vượt trội và giảm thiểu phát thải carbon.

Ông Trần Văn Tùng, Ủy viên thường trực Ban điều hành Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844), nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, thời gian qua, các giải pháp tham gia cuộc thi đã có sự đa dạng giải quyết các thách thức trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, giải trí... đặc biệt là giải pháp trong bảo vệ môi trường, năng lượng sạch, hướng tới bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện cam kết đưa phát thải ròng bằng "0". Đề án 844 cam kết tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các ý tưởng của người Việt Nam có thể tiếp tục phát triển, đồng hành cùng kinh tế của đất nước, thúc đẩy các ý tưởng, sáng tạo có cơ hội tỏa sáng tại thị trường trong và nước ngoài, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Quán quân Buyo Bioplastics cùng các giải pháp đoạt giải góp phần đưa ra những giải pháp, sáng kiến đổi mới sáng tạo, tham gia giải quyết các bài toán của cơ quan quản lý nhà nước, tập đoàn, tổng công ty để phát triển xanh, bền vững và thực hiện cam kết của Việt Nam với thế giới là Net zero vào năm 2050.

Bà Đỗ Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Buyo cho biết, trong quá trình sản xuất, start-up nhựa sinh học 100% nguồn gốc tự nhiên cũng ưu tiên về tuần hoàn nhiên liệu, tuyệt đối không xả rác thải ra ngoài, giúp bảo vệ môi trường và hướng tới phát thải ròng bằng 0. Giá thành hiện nay đối với nhựa sinh học không thể như nhựa thông thường nhưng đã được thương mại hóa để không quá đắt. Trong tương lai, doanh nghiệp mong muốn đề xuất chính sách ưu đãi, khuyến khích vật liệu mới thay thế nhựa tương tự như khuyến khích nhựa tái chế, ưu tiên phát triển doanh nghiệp kinh tế tuần hoàn.

Các sản phẩm của Buyo Bioplastics giữ được ưu thế của nhựa sinh học khi tận dụng nguồn rác hữu cơ dồi dào và phổ biến tại Việt Nam, doanh nghiệp tuyển chọn các dòng vi khuẩn phân hủy, kết hợp bí quyết lên men sinh học nhằm liên kết các loại sợi tự nhiên và polymer sinh học khác biệt với nhau thành một dạng vật liệu composite phù hợp với các ứng dụng cụ thể. Quy trình xử lý ép nhiệt, tạo khuôn, thổi màng mỏng... của Buyo Bioplastics đều không sử dụng hóa chất, giúp tạo ra các sản phẩm ít gánh nặng hơn cho môi trường.

*Công nghệ xử lý nước MET sử dụng năng lượng cơ học tự sinh

Công nghệ MET là một trong ba dự án xuất sắc được trao Giải thưởng Chương trình Đào tạo tiền ươm tạo của Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (Vietnam Climate Innovation Center - VCIC). Tại Triển lãm Công nghệ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, hệ thống xử lý nước MET cũng được Bộ Khoa học và Công nghệ trao giải Sáng kiến đổi mới trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Với ưu điểm không lõi lọc, không hóa chất và không điện năng, công nghệ MET (Mechanical Energy Technologies) đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng sáng chế độc quyền, mang lại một hướng đi mới trong việc xử lý nước thải ở Việt Nam.

Kỹ sư Vũ Tiến Anh nhận thấy mức độ ô nhiễm nguồn nước ngày càng phức tạp, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa và vùng cao, trong khi nhu cầu nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất công nghiệp ngày càng lớn nhưng quy trình xử lý nước thải hiện tại ở Việt Nam lại chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giá thành. Trăn trở với việc xử lý nước thải hướng tới bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện cam kết đưa phát thải ròng bằng "0", Kỹ sư Vũ Tiến Anh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ xử lý nước TA và các cộng sự đã nghiên cứu thành công công nghệ xử lý nước thải MET, sử dụng năng lượng cơ học tự sinh đầu tiên trên thế giới.

Theo Kỹ sư Vũ Tiến Anh, khắc phục được các nhược điểm của công nghệ xử lý nước cấp, nước thải truyền thống của Việt Nam, công nghệ xử lý nước MET hướng tới việc không sử dụng hóa chất, không sử dụng vi sinh, không sử dụng điện năng và hoạt động dựa trên nguyên lý của sự thay đổi áp lực để phân tách dòng nước, hình thành màng lọc tự nhiên, sử dụng cơ chế tác động vật lý để tổng hợp xử lý nước thải, sử dụng hỗn hợp nguyên liệu chuyên biệt không cần bổ sung để xử lý vi khuẩn và một số độc chất khác có trong nước. Vì vậy, công nghệ MET thân thiện với môi trường nước nói riêng và môi trường nói chung, giảm tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Công nghệ xử lý nước MET xử lý được nguồn nước giếng khoan, nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải của các nhà máy công nghiệp, nước thải bệnh viện, nước ao hồ... Nước thải từ nhiều nguồn sau khi qua bể gom sẽ được lọc bớt các loại lá cây, dị vật, mùn đất… sau đó dòng nước được bơm đẩy lên một bể cấp, từ đó chảy xuống thiết bị xử lý với tốc độ điều hòa. Sau khi xử lý xong, nguồn nước sẽ được đưa ra ngoài bể chứa và đi ra ngoài môi trường. Công nghệ xử lý nước MET có khả năng loại bỏ các thành phần tạp chất và khoáng chất nguy hại cho sức khỏe con người như: Asen, phèn, sắt… đồng thời giữ lại các thành phần có lợi cho sức khỏe con người, xử lý triệt để một số khí độc như: Metan, hydro sunphua, amoni…

Đến nay, công nghệ xử lý nước MET đã thực sự đi vào cuộc sống khi được lắp đặt từ hộ gia đình, khu dân cư đến khu công nghiệp và trên 20 tỉnh, thành phố trong cả nước. Công nghệ xử lý nước MET đã được lắp đặt cho các đơn vị sản xuất công nghiêp như: Xi măng Chinfon (Hải Phòng), gỗ Bình Minh (Ninh Bình), Công ty ống nhựa DISMY (Hưng Yên), Công ty Cao su Đồng Nai, cơ sở sản xuất rượu tại Lập Lễ, Hải Phòng, Xưởng X467 Bộ Quốc phòng, Công ty in Nhân dân Bình Định, cụm công nghiệp An Xá (Nam Định), Khu Du lịch Sunset...

Công nghệ xử lý nước MET cũng nhận được nhận nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: Huy chương Vàng tại cuộc thi Sáng chế tổ chức tại Canada; Huy chương Bạc tại Cuộc thi Công nghệ môi trường xanh tốt nhất thế giới tổ chức tại Nhật Bản; Giải công nghệ dẫn đầu ở Singapore, Giải thưởng khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” của Bộ Khoa học và Công nghệ./.

Phạm Thị Thu Hà

Tin liên quan

Xem thêm