Xã hội

Sáng kiến vì cộng đồng: Xây dựng nét đẹp văn hóa, kiến tạo lối sống xanh

Hà Nội

Mỗi sáng kiến là một công trình tâm huyết cùng nỗ lực đóng góp ngày một hiệu quả hơn, thiết thực hơn vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội chung của đất nước.

Tác giả Phạm Quốc Việt, Hà Nội trình bày sáng kiến "Phát triển Đội hỗ trợ sơ cứu tai nạn miễn phí cho cộng đồng". (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

(TTXVN) Trải qua hành trình gần 10 năm thực hiện, chương trình “Sáng kiến vì cộng động” đã góp phần đưa nhiều sáng kiến được triển khai ứng dụng trên nhiều lĩnh vực trong thực tế, biến sáng kiến thành các dự án thiết thực hướng đến phụng sự cộng đồng.

Đây là hoạt động hợp tác hiệu quả, ý nghĩa giữa các cơ quan đồng chủ trì là Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

* Ý thức trách nhiệm, khả năng sáng tạo phong phú

Chương trình “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ IV được khởi động từ tháng 12/2020. Vượt qua khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, sau thời gian phát động, đã có gần 400 hồ sơ sáng kiến hợp quy chuẩn đăng ký tham gia.

Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Nguyễn Ngọc Hà cho biết, căn cứ vào thể lệ, các tiêu chí gồm tính phát triển; đối tượng tác động và kết quả mong đợi; tính sáng tạo; tính khả thi; tính bền vững và khả năng nhân rộng, hiệu quả chi phí; năng lực của đơn vị triển khai, qua 2 vòng thẩm định, 165 sáng kiến đã được bình xét vòng sơ khảo, 40/165 sáng kiến được xét duyệt tham gia vòng chấm chung khảo.

Kết quả, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 22 hồ sơ sáng kiến để tiến hành biểu dương, bao gồm 2 Giải A; 4 Giải B, 6 Giải C và 10 Giải Khuyến khích.

Theo Ban Tổ chức, điểm chung so với những kỳ tổ chức trước là các sáng kiến tham gia bình chọn lần này tiếp tục có sự trải rộng, đa dạng về lĩnh vực như: Giáo dục, y tế, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, giao thông vận tải, khoa học kỹ thuật và công nghệ, du lịch, xóa đói giảm nghèo, văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới, từ thiện xã hội, nông nghiệp...

Trong đó, sức “nóng” ở những lĩnh vực đang nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ, cộng đồng như: Khoa học kỹ thuật và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, vấn đề an toàn giao thông tiếp tục thu hút được sự chung tay đóng góp nhiều sáng kiến của các tổ chức, cá nhân. Điều này cho thấy ý thức trách nhiệm trước các vấn đề xã hội, khả năng sáng tạo phong phú cùng tinh thần chủ động sáng tạo trong đời sống, lao động sản xuất đa dạng, đa diện luôn có sẵn trong mọi thành phần, mọi tầng lớp xã hội.

* Lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng

Một điểm đáng chú ý, nếu ở những cuộc thi trước đây có thể bao gồm cả những sáng kiến mang tính đề xuất khả thi thì ở cuộc thi lần này, 100% các sáng kiến đoạt giải đều là những sáng kiến đang được ứng dụng thử nghiệm cho kết quả khả quan hoặc đã được đưa vào ứng dụng vận hành hiệu quả trong thực tiễn.

Trong đó có những sáng kiến đã góp phần tạo ra những bước chuyển mang tính đột phá, vừa làm lợi cho tổ chức, tập thể, vừa giúp giải quyết vấn đề xã hội đang bức bách, đồng thời góp phần xây dựng nét đẹp văn hóa, tinh thần tương thân tương ái, kiến tạo lối sống xanh vì môi trường trong cộng đồng.

Điển hình là các sáng kiến: Hệ sinh thái “Nuôi em” của tác giả Hoàng Hoa Trung; phát triển hỗ trợ sơ cứu tai nạn miễn phí cho cộng đồng (Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel) của tác giả Phạm Quốc Việt (Hà Nội)...

Hệ sinh thái "Nuôi em” là mô hình kết nối những mạnh thường quân hỗ trợ ăn trưa cho các học sinh vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ ăn trưa 150 nghìn đồng/tháng.

Bắt đầu được triển khai từ năm 2014, Dự án đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng đồng hành của đông đảo các tầng lớp xã hội, sự quan tâm của cộng đồng. Anh Hoàng Hoa Trung cho biết, tính đến năm 2020, Dự án đã nhận nuôi cơm trưa hơn 20 nghìn trẻ em vùng cao, mục tiêu năm 2022 là nâng con số này lên 60 nghìn bé, với hơn 18 triệu bữa ăn được cung cấp. Những số liệu liên quan được báo cáo theo tháng và Dự án cũng tổ chức thăm trực tiếp các bé tại địa phương.

Bên cạnh đó, tính đến hết năm 2020, Dự án đã xây 102 điểm trường, nhà nội trú, cầu, nhà hạnh phúc... Dự án đã tăng trưởng rất nhanh qua các năm, cho thấy sức lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng. Tới hết tháng 10/2022, tổng số lên tới 357 công trình dự án đã được thực hiện.

Với phương châm “Không bỏ rơi - Không thu phí - Không tranh cãi - Không phân biệt - Không kết án”, sáng kiến Phát triển hỗ trợ sơ cứu tai nạn miễn phí cho cộng đồng (Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel) của anh Phạm Quốc Việt ra đời năm 2019 nhằm hỗ trợ trực tiếp về sơ cứu cho nạn nhân tai nạn giao thông trên đường. Từ 5 thành viên sáng lập ban đầu, đến nay số lượng thành viên của đội đã lên đến 150 người. Trung bình mỗi năm, Đội FAS Angel thực hiện hơn 1.000 ca sơ cứu, với khoảng 600 vụ tai nạn giao thông ở mức độ khác nhau.

Hiện nay, FAS Angel vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh công tác kết nạp và tìm kiếm được thêm nhiều sự đồng tâm từ những con người trong cộng đồng, sẵn sàng giúp đỡ người bị nạn; lan tỏa tinh thần "tương thân tương ái"... Mỗi thành viên của đội thực hiện công việc này hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ tâm trí, lòng yêu thương con người và hành động đùm bọc, bảo vệ người bị nạn.

Xuất phát từ mong muốn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, tạo ra nguồn tiền ủng hộ tự nguyện từ việc bán các sản phẩm của câu lạc bộ tới các hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng, đồng thời hướng tới giáo dục thế hệ trẻ đi từ ý thức đến hành động xanh vì môi trường, Câu lạc bộ Mì Tôm Xanh đã ra đời và hoạt động được khoảng 2 năm. Sáng kiến này là của cô Vũ Thị Thảo, giáo viên Trường Trung học Vinschool Timescity, thành phố Hà Nội.

Bằng việc xây dựng hệ thống cộng tác viên trên địa bàn cả nước, những chiếc vỏ mì tôm đã được câu lạc bộ thu gom và tái chế thành những sản phẩm mang tính thời trang, hữu ích, nhận được sự quan tâm, đánh giá cao từ cộng đồng. Hiện sản phẩm làm ra chưa đáp ứng kịp nhu cầu từ thị trường.

Dù ở lĩnh vực nào, mỗi sáng kiến đều xuất phát từ những vấn đề thực tiễn trong lao động sản xuất, xây dựng phát triển kinh tế hay trong đời sống văn hóa-xã hội của đất nước, đưa ra được những giải pháp thông minh giúp giải quyết được vấn đề tồn tại, hướng tới kết quả rõ ràng, đóng góp hữu ích cho cộng đồng. Nhiều sáng kiến đi từ ứng dụng thực tiễn thành công tại địa phương, đơn vị, hoàn toàn có thể được nhân rộng, lan tỏa trên phạm vi rộng lớn hơn, trong ngành, thậm chí trong cả nước.

Mỗi sáng kiến là một công trình tâm huyết cùng nỗ lực đóng góp ngày một hiệu quả hơn, thiết thực hơn vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội chung của đất nước./.

Phan Phương

Xem thêm