Bệnh nhi có khối bướu bạch huyết lớn nhất từ trước đến nay và vô cùng hiếm gặp.
(TTXVN) Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, các bác sĩ của Bệnh viện đã tách thành công khối bướu bạch huyết vùng đầu cổ, nặng 1,1kg cho một trẻ sơ sinh 3 ngày tuổi. Bác sĩ Huỳnh Thị Phương Anh, Khoa Phẫu thuật sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bé trai sơ sinh được các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh siêu âm, phát hiện có bướu to vùng đầu cổ từ tháng thứ 6 của thai kỳ. Đến khi thai được 36,5 tuần, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai tại Bệnh viện Từ Dũ vào ngày 15/11. “Khi chào đời, bé trai mang một khối bướu vùng cổ, to như cái đầu thứ 2 của bé. Khối bướu chiếm toàn bộ vùng cổ bên phải, đẩy cổ, xương sống lệch sang trái, chèn ép đường thở khiến bé không thể tự thở được”, bác sĩ Phương Anh cho hay.
Nhờ sự phối hợp chuyên khoa sản - nhi giữa Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1, ngay khi em bé được đưa ra khỏi bụng mẹ, các bác sĩ đã đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp và chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bé được hỗ trợ thở oxy, làm các xét nghiệm tiền phẫu, các xét nghiệm sinh hóa, các hình ảnh học và điều chỉnh ổn định các rối loạn.
Các bác sĩ xác định bé bị bướu bạch huyết bẩm sinh. Do khối bướu lớn rất nhanh, chiếm hết vùng cổ, sàn khoang miệng, lan xuống ngực, tình trạng suy hô hấp của bé tăng dần, nguy cơ xảy ra xuất huyết bên trong bướu và nguy cơ vỡ khối bướu rất cao. Ngày thứ 3 sau khi sinh (tức ngày 18/11), các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiến hành phẫu thuật bóc tách khối bướu cho bé. Ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ, khối bướu có trọng lượng 1,1kg đã được lấy ra. Khi chào đời, tổng trọng lượng của của bé là 4kg, sau khi bóc tách khối bướu nặng 1,1kg, cân nặng của bé còn 2,9kg.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, cố vấn Khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh nhi có khối bướu bạch huyết lớn nhất từ trước đến nay và vô cùng hiếm gặp. Vì khối bướu quá to, nằm sát đường thở, sát động mạch cổ lên não, nguy cơ bé tử vong trên bàn mổ rất cao. Chính vì thế, khi bóc tách, các bác sĩ phải thực hiện rất tỉ mỉ. “Khối bướu quá lớn, chúng tôi đã xác định không thể lấy hết trong 1 lần mổ, cố gắng lấy càng nhiều càng tốt. Khối bướu được cắt hơn 90%, chỉ còn một phần nhỏ ở trung thất không thể bóc tách. Chúng tôi đã tiêm thuốc để làm xơ hóa phần bướu này. Nguy cơ tái phát của bướu này vẫn có. Chúng tôi sẽ cố gắng xử lý bằng thuốc để không phải phẫu thuật lại”, bác sĩ Hiếu chia sẻ.
Đến ngày thứ 10 sau mổ, sinh hiệu của bệnh nhi ổn định, vết mổ khô. Bé vẫn đang được hồi sức tích cực, hỗ trợ hô hấp tại Khoa Hồi sức sơ sinh nhưng đã tự ăn được bằng đường miệng. Do khối bướu quá lớn, chèn ép toàn bộ vùng đầu, cổ, ngực nên bé bị vẹo cột sống cổ. Vấn đề quan trọng hiện nay là làm sao để không bị nhiễm trùng sau mổ và phải tập vật lý trị liệu cho bé ngay sau khi mổ.
Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, bướu bạch huyết là sự bất thường của hệ bạch huyết, tạo thành các nang, đa phần là bướu lành, thường xuất hiện ở vùng đầu, mặt, cổ, nách. Trước đây, hầu hết các trường hợp bướu to ở vùng đầu, mặt, cổ gây chèn ép đường thở, bệnh nhân thường được tư vấn bỏ thai ở các cơ sở sản khoa hoặc em bé sẽ tử vong ngay sau khi sinh. Từ năm 2019 đến nay, với sự phối hợp của hai chuyên ngành sản - nhi của Bệnh viện Từ Dũ và Nhi đồng 1, đã có khoảng 10 trường hợp các em bé có bướu to chèn ép đường thở được phẫu thuật cứu sống kịp thời./.