Giáo dục

“Sắp xếp lại giang sơn” trong giáo dục và đào tạo

Giống như đối với hành chính, phải "sắp xếp lại giang sơn" trong giáo dục và đào tạo. Giáo dục đại học - giáo dục tinh hoa, cần tính toán rút bớt các trường đại học để có những đại học mạnh.

Các đại biểu trao đổi tại Tọa đàm.
Ảnh: Chu Thanh Vân

Tới đây, Trung ương sẽ ban hành một nghị quyết về hiện đại hóa và đột phá giáo dục đào tạo. Giống như đối với hành chính, phải "sắp xếp lại giang sơn" trong giáo dục và đào tạo. Quan điểm trên được Trung tướng Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Yêm – Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân (Bộ Công an) nêu tại Tọa đàm “Tự chủ đại học – Cơ hội nào để phát triển?”, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 11/7.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Yêm, một mô hình quản trị tốt về giáo dục và đào tạo là mô hình chóp. Chúng ta phổ cập giáo dục phổ thông cho tất cả trẻ em, cho toàn dân, nên giáo dục phổ thông, đặc biệt là giáo dục mầm non phải đến được các thôn, làng, ấp, bản trên toàn quốc.

Tuy nhiên, giáo dục đại học - giáo dục tinh hoa, cần tính toán lại, rút bớt các trường đại học để có những đại học mạnh. Những nơi có đại học quốc gia, đại học vùng không nên để những trường đại học nhỏ, thiếu cả về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Đối với những địa phương có phát triển đô thị hóa cao, cần đào tạo nguồn nhân lực lớn hoặc các tập đoàn kinh tế lớn thì nên ưu tiên phát triển các trường đại học của các cơ sở này.

Muốn đổi mới giáo dục đào tạo, coi đây là đột phá thì phải tăng quyền cho hiệu trưởng - người quyết định sự đổi mới và thành công của giáo dục và đào tạo.

“Hiện nay, chúng ta có nhiều cơ chế, tuy nhiên đối với các trường công lập, có Đảng ủy thì không nên thành lập Hội đồng trường. Đảng ủy nói theo nghĩa nào đó thực chất là Hội đồng trường”, ông Yêm nói.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Yêm – Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân (Bộ Công an)
Ảnh: Chu Thanh Vân

Cũng theo vị Giáo sư, Tiến sĩ này, muốn đổi mới giáo dục đào tạo phải có một quan niệm mới, tư duy mới về thầy giáo. Thầy giáo ngày nay không chỉ giỏi về dạy học, giỏi về nghiên cứu khoa học mà còn phải giỏi về thực tiễn.

Đội ngũ giáo viên không chỉ là kiêm chức, phải tham gia vào công tác quản lý, tổ chức giảng dạy; những nơi dạy về kinh tế phải có sự tham gia của các nhà hoạt động kinh tế, các giám đốc doanh nghiệp dạy cho các em cách làm giàu. “Thầy giáo không biết cách tự làm giàu cho mình thì không thể đi dạy người khác làm giàu được, đây là một thực tiễn”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Yêm nhấn mạnh.

Theo góc nhìn của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Bích Ngọc – Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, tự chủ giáo dục đại học của Việt Nam thời gian qua đã thành một động lực để thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục đại học nước ta. Có nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tuy nhiên, dường như trong 10 năm trở lại đây, tốc độ đi hơi chậm so với mong muốn của Đảng, Nhà nước, cũng như của xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Bích Ngọc – Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.
Ảnh: Chu Thanh Vân

Nêu 3 nguyên nhân, bà Ngọc phân tích, xã hội và chính các cơ sở giáo dục đại học hiện nay hiểu chưa đúng về tự chủ đại học. Nhà nước ban hành chủ trương chính sách là tăng cường tự chủ đại học nhưng lại cắt đầu tư ngân sách, điều đó khiến cho tự chủ đại học đồng nghĩa với tự chủ là các cơ sở giáo dục phải tự lo.

Nguyên nhân thứ hai là tồn tại tình trạng mâu thuẫn trong quyền lực, điều hành, quản lý. Các cơ sở giáo dục đại học hiện nay còn sự chồng lấn giữa Hội đồng trường, Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường, dẫn đến sự không hiệu quả trong điều hành nội bộ của các cơ sở giáo dục đại học.

Điểm thứ ba là cơ chế tự chủ chưa thực sự mở. Khi tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học vẫn phải tuân thủ theo các hệ thống, văn bản pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên giữa các luật này chưa có sự thống nhất, đồng bộ, còn có sự "đâm ngang" nhau. Sự thiếu đồng bộ về cơ chế đã khiến các cơ sở giáo dục đại học “bó chân, bó tay” khi thực hiện tự chủ.

Cho rằng, phải xác định rõ cơ quan quản lý được làm gì, phía nhà trường, đặc biệt là hiệu trưởng nhà trường, được làm gì, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Yêm nhìn nhận, những năm 1990, việc cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ đều do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện, nhưng hiện nay tất cả quyền này, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ, bậc học cao nhất của giáo dục đại học, đều giao cho nhà trường. Vì vậy, theo quan điểm của ông, những gì thuộc về nhà trường, thuộc về hiệu trưởng nhà trường, thì phải trả cho họ đúng nghĩa. Còn cơ quan quản lý tập trung vào hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, đi sâu vào quản lý. Nếu làm được như thế, tự chủ đại học mới đúng nghĩa và sẽ không còn cơ chế xin-cho trong điều kiện hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đình Phi – Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ảnh: Chu Thanh Vân

Chia sẻ bản thân ông cũng như một số thầy cô ở trường đã chấp nhận đánh đổi, đôi khi phải đặt lên bàn cân đánh đổi tương lai của mình, có thể mất nghề nếu như mình không tự chủ được, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đình Phi – Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội, cho hay, đây là bài toán rất khó khi “đứng ra lãnh đạo một đơn vị tự chủ không có gì cả mà lại muốn theo chuẩn quốc tế. Đấy cũng là thách thức vai trò lãnh đạo của tập thể, của cá nhân trong một ngôi trường đi từ số 0”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đình Phi cho biết, về lãnh đạo nhà trường từ năm 2013, từ đó đến nay có hàng chục giáo sư, chuyên gia đầu ngành từ khoa học quốc phòng, khoa học an ninh, khoa học quản lý, quản trị, kinh tế, giáo dục, công nghệ… ủng hộ, hỗ trợ và trực tiếp tư vấn cho thầy, trò cách đột phá, phá bỏ một số rào cản để đột nhập vào những khu vực sáng tạo và sáng tạo ra trường phái học thuật mới để không phải đi sau, bắt trước, sao chép của nước ngoài.

Ông cũng cho rằng, giáo dục đại học, trong bối cảnh toàn cầu, cần được định vị ở đỉnh cao của kim tự tháp tri thức, thay vì phổ cập hóa một cách đại trà. Không phải mọi tỉnh đều cần một trường đại học quy mô lớn, mà cần tập trung vào chất lượng khoa học và đào tạo. Đối với những người không phù hợp với con đường học thuật, việc học nghề hoặc các ngành đào tạo khác là lựa chọn hợp lý, tránh lãng phí thời gian, nguồn lực của gia đình và xã hội./.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm