Theo Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Sóc Trăng, đầu năm đến nay, tỉnh có trên 497 ca mắc bệnh sốt xuất huyết.
Để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết, nhất là những tháng cao điểm mùa mưa, ngành Y tế tỉnh Sóc Trăng thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Với phương châm phòng bệnh là chính và ngành chuyên môn cũng không chủ quan trước diễn biến bệnh.
* Chiến dịch diệt lăng quăng diện rộng
Thời điểm này, ngành Y tế thị xã Ngã Năm kết hợp cùng đoàn thể địa phương đang tiến hành chiến dịch diệt lăng quăng và tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết tại gia đình.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) Bành Phước An cho biết, để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết từ nay đến cuối năm 2024, thị xã sẽ triển khai 2 chiến dịch diệt lăng quăng trên diện rộng, đợt 1 trong 6/2024 và đợt 2 diễn ra vào giữa tháng 8/2024.
Chiến dịch với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và khống chế không để dịch, ổ dịch lớn xảy ra, tuyên truyền cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, nâng cao nhận thức người dân chủ động phòng bệnh tại nhà, nhất là vào mùa mưa; đẩy mạnh phong trào diệt lăng quăng trong cộng đồng nhằm giảm mật độ côn trùng (lăng quăng và muỗi vằn) trong thời gian ngắn nhất, giảm sự lan truyền bệnh sốt xuất huyết.
Ông Bành Phước An cho biết thêm, với địa hình vùng trũng có nhiều ao tù nước đọng nên chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng bệnh, trong đó yếu tố chính vẫn là phòng bệnh bằng cách diệt lăng quăng, vận động người dân vệ sinh xung quanh nhà,… Năm 2024, địa phương đề ra chỉ tiêu có 95% hộ gia đình được tuyên truyền về diệt lăng quăng và các bệnh pháp phòng bệnh, mật độ côn trùng giảm hơn 50% so với lúc ban đầu chưa thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng.
Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế thị xã Ngã Năm, từ đầu năm đến nay, thị xã ghi nhận trên 25 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 15 ổ dịch trong cộng đồng, ngành chức năng cùng chính quyền địa phương phối hợp giám sát dịch tễ, thực hiện phun hóa chất diệt muỗi, đến nay các ổ dịch đã được khống chế. Bác sĩ Sử Hoàng Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ngã Năm nhận định, tuy số ca bệnh có giảm so với cùng kỳ năm 2023, song ngành Y tế thị xã Ngã Năm không chủ quan mà tập trung công tác phòng chống. Theo dự báo của ngành chuyên môn, từ đây đến cuối năm 2024, bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng cao từ tháng 8 cho đến cuối năm 2024.
Bác sĩ Sử Hoàng Khánh cũng cho biết thêm, hiện thị xã xây dựng mô hình “cộng tác viên diệt lăng quăng” ở xã Tân Long (thị xã Ngã Năm). Theo đó, mỗi ấp sẽ thành lập 1-2 nhóm, có nhiệm vụ tuyên truyền và tiến hành kiểm tra mật độ côn trùng (muỗi vằn và lăng quăng) và diệt lăng quăng từ tháng 6 -10/2024 (thực hiện vào những ngày cuối cùng trong tuần của tháng). Ngoài ra, các nhóm sẽ tăng cường công tác truyền thông về dấu hiệu nhận biết bệnh, cách phòng bệnh sốt xuất huyết bằng loa phát thanh di động đến những nơi đông dân cư nhằm nâng cao ý thức cho người dân.
Cô Nguyễn Thị Thu Vân (xã Tân Long, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, người dân nơi đây chấp hành rất tốt và có ý thức về phòng bệnh sốt xuất huyết. Dụng cụ chứa nước đều có nấp đậy, thả cá (lia thia, bảy màu), thường xuyên cọ rửa dụng cụ chứa nước, phát hoang xung quanh nhà,… Cô Nguyễn Thị Thu Vân cũng cho biết thêm, hàng năm đến mùa hè thì gia đình cô đón con cháu nghỉ học về ở chung nhà; đa số ở lưới tuổi từ 6-12 tuổi nên việc phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ nhỏ được gia đình rất quan tâm thực hiện thường xuyên, như: cho trẻ ngủ mùng, quan sát trẻ nếu có các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết thì đưa đến cơ sở y tế gần nhất nhằm chủ động phòng trị bệnh.
* Không chủ quan trước bệnh
Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng đã điều trị cho 103 trường hợp bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 25 trường hợp nặng, tăng 7% so với cùng kỳ 2023. Ông Hà Quang Bình, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng) cho biết, năm nay mùa mưa đến muộn nên số lượng ca bệnh giảm hơn những năm vừa qua. Tuy nhiên theo kinh nghiệm nhiều năm, đơn vị cũng không chủ quan mà đã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, cơ số thuốc phục vụ điều trị khi có tình huống bệnh sốt xuất huyết bùng phát trên địa bàn.
Theo Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Sóc Trăng, đầu năm đến nay, tỉnh có trên 497 ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Sóc Trăng cũng thông tin, hiện nay đã bước vào mùa mưa là điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi phát sinh; cùng với nhu cầu tích trữ nước của người dân tăng cao (sau thời gian hạn kéo dài) nguy cơ mật độ côn trùng (muỗi vằn và lăng quăng) tăng. Đây chính là véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết. Do vậy, nguy cơ gia tăng bệnh sốt xuất huyết trong thời gian sắp tới là khó tránh khỏi.
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Sóc Trăng cũng đề nghị, các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao cần đánh giá lại tình hình bệnh và xem xét tiêu chí xử lý dịch diện rộng quy mô ấp/xã theo đúng quy định; tăng cường giám sát và xử lý triệt để ổ dịch, khống chế không để dịch lây lan diện rộng trong cộng đồng. Bên cạnh đó, phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt tuyên truyền đến các phụ huynh có trẻ học tại các trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình./.