Sửa đổi tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp lại giai đoạn 2021 - 2025
Chính phủ sẽ ban hành cơ chế khuyến khích hình thành lực lượng doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhà nước mở đường trong một số lĩnh vực.
TTXVN - Ngày 24/11, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 9245/VPCP-ĐMDN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 2/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg) theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài chính, Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan, khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2024 hồ sơ dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg theo đúng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Quy chế làm việc của Chính phủ, trong đó lưu ý các nội dung sửa đổi, bổ sung cần bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực tiễn và cách hiểu thống nhất khi thực hiện.
Văn phòng Chính phủ đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
*Cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước
Kết quả nổi bật sau gần 3 năm (2021-2023) thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, về cổ phần hóa, theo đánh giá của Chính phủ, năm 2021 đã ghi nhận 4 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 333 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 196 tỷ đồng. Năm 2022, ghi nhận bổ sung một doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.
Tính đến ngày 25/4/2023, có 27 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Số thu từ bán vốn nhà nước của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đã nộp về ngân sách nhà nước năm 2021 là 1.000 tỷ đồng; số thu từ bán vốn nhà nước năm 2022 là 3.848 tỷ đồng. Kế hoạch thu hồi vốn nhà nước tại một số tổ chức kinh tế do Trung ương quản lý là 3.000 tỷ đồng.
Về thoái vốn nhà nước, Chính phủ cho biết đã thoái vốn tại 18 doanh nghiệp với tổng giá trị 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng trong năm 2021. Năm 2022, thoái vốn nhà nước tại một doanh nghiệp với tổng giá trị 195 tỷ đồng, thu về 390 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại 31 doanh nghiệp với tổng giá trị là 688,7 tỷ đồng, thu về 3.900,6 tỷ đồng. Trong quý I/2023, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 4 doanh nghiệp với giá trị là 41,2 tỷ đồng, thu về 168,4 tỷ đồng.
Kết quả nổi bật là doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp lại hoạt động thực chất hơn, hiệu quả hơn. Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ, dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (0,08%) trong nền kinh tế, nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn, khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trong nền kinh tế. Quy mô tài sản, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước tăng trưởng dương (lãi phát sinh trước thuế bình quân tăng 25%), tạo động lực đáng kể để phát triển kinh tế, đóng góp nguồn thu vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Bên cạnh các kết quả đạt được, quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo về chất cũng như về lượng.
Do vậy, Chính phủ xác định trọng tâm trong chỉ đạo điều hành nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 là tập trung hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật nhằm tháo gỡ rào cản, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Tăng cường thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích hình thành lực lượng doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhà nước có vai trò dẫn dắt, mở đường trong một số lĩnh vực, ngành kinh tế…/.