Xã hội

Tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Các đại biểu biểu quyết thống nhất dự thảo Nghị quyết tán thành chủ trưởng sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023- 2025. 
Ảnh: Quang Thái - TTXVN

Ngày 30/7, HĐND tỉnh Gia Lai, thành phố Đà Nẵng đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, thống nhất thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

* Tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Ngày 30/7, Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai khóa XII, nhiệm kỳ 2021- 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 20 (Kỳ họp chuyên đề) để xem xét, thảo luận dự thảo nghị quyết về tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh, làm cơ sở pháp lý cho UBND tỉnh hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ gửi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo tờ trình số 1822/TTr-UBND của UBND tỉnh Gia Lai, sau khi kiểm tra, rà soát, đánh giá các tiêu chuẩn đơn vị hành chính về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định, trên địa bàn tỉnh có 3 đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện nghiên cứu sắp xếp giai đoạn 2023-2025 gồm: Huyện Đăk Pơ, xã Đăk Hlơ của huyện Kbang (do có đồng thời cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định), xã Tân Sơn của thành phố Pleiku (do có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định).

Ông Hồ Văn Niên, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai khoá XII, nhiệm kỳ 2021- 2026 phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 20. 
Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Về phương án sắp xếp, theo UBND tỉnh Gia Lai sẽ thực hiện việc sáp nhập nguyên trạng huyện Đăk Pơ vào thị xã An Khê- thực hiện vào thời điểm sau năm 2030; sáp nhập nguyên trạng xã Tân Sơn vào xã Biển Hồ để thành lập đơn vị hành chính mới, lấy tên gọi là xã Biển Hồ; điều chỉnh địa giới hành chính, chuyển diện tích tự nhiên 6,217km2 với quy mô dân số 284 người của làng Lợt thuộc xã Đăk Hlơ vào xã Nghĩa An quản lý. Phần còn lại của xã Đăk Hlơ nhập vào xã Kông Bơ La, lấy tên đơn vị hành chính mới xã Kông Bơ La.

Tại Kỳ họp, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất dự thảo Nghị quyết, tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023- 2025 của tỉnh Gia Lai như sau:

Nhập nguyên trạng xã Tân Sơn (có diện tích tự nhiên là 8,65 km2; quy mô dân số là 6.355 người) vào xã Biển Hồ (có diện tích tự nhiên là 20,19 km2; quy mô dân số là 10.379 người) để thành lập đơn vị hành chính mới, lấy tên xã Biên Hồ thuộc thành phố Pleiku.

Điều chỉnh địa giới hành chính, chuyển diện tích tự nhiên 6,217 km2 với quy mô dân số 284 người của làng Lợt thuộc xã Đăk Hlơ vào xã Nghĩa An thuộc huyện Kbang (có diện tích tự nhiên là 35,40 km2, quy mô dân số là 4.287 người) quản lý; nhập phần còn lại của xã Đăk Hlơ (diện tích tự nhiên 13,33 km2, quy mô dân số 2.597 người) vào xã Kông Bơ La (diện tích tự nhiên 40,87 km2, quy mô dân số 3.292 người) để thành lập đơn vị hành chính mới lấy tên xã Kông Bơ La thuộc huyện Kbang.

Các đại biểu tán thành chủ trương sắp xếp huyện Đăk Pơ vào thị xã An Khê sau năm 2030 và vẫn giữ nguyên thị xã An Khê.

* Thông qua nhiều nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 30/7, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 bế mạc Phiên họp thứ 19. Kỳ họp đã xem xét, cho ý kiến 152 tài liệu, thông qua 32 nghị quyết và nhiều nội dung quan trọng khác; thảo luận nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của thành phố; cho ý kiến về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Tại Kỳ họp, các đại biểu đã thống nhất thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, đề nghị UBND thành phố sớm hoàn thiện, trình các cơ quan Trung ương đảm bảo quy định; chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai việc sắp xếp đảm bảo kỹ lưỡng, khoa học, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình, điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Kỳ họp cũng đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ cho 137 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư theo chính sách của thành phố, với kinh phí khoảng hơn 25 tỷ đồng...  Bên cạnh đó, Kỳ họp đặc biệt quan tâm đến việc cụ thể hóa triển khai Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng cho rằng, năm 2024 là năm buộc phải tăng tốc mạnh mới có thể thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội lần thứ 22 Đảng bộ thành phố. Do đó, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị các cấp chính quyền thành phố tiếp tục rà soát, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2024; tập trung vào các ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh của thành phố hiện đang bị sụt giảm, phấn đấu GRDP năm 2024 của thành phố đạt mức tăng trưởng theo kế hoạch đề ra (8-8,5%). Đà Nẵng cần tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực dịch vụ, du lịch gắn với huy động các nguồn lực để tổ chức các lễ hội, sự kiện quy mô quốc gia, quốc tế, là động lực tăng trưởng quan trọng cho kinh tế thành phố.../.

Quang Thái - Quốc Dũng

Tin liên quan

Xem thêm