Việt Nam có 2.360 con sông lớn nhỏ với tổng chiều dài khoảng 41.900 km, nhưng du lịch đường sông vẫn phát triển chậm và chưa tương xứng với tiềm năng.
Ngày 18/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo “Phát triển du lịch đường sông ở Việt Nam định hướng và giải pháp”.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Việt Nam có mạng lưới sông ngòi đa dạng với hơn 2.360 con sông lớn nhỏ, tổng chiều dài khoảng 41.900 km. Đây là tiềm năng, lợi thế để các địa phương xây dựng những sản phẩm du lịch đường sông đa dạng và độc đáo, góp phần thúc đẩy loại hình du lịch đường sông nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung.
Theo khảo sát sơ bộ, ở miền Bắc, hệ thống sông Hồng là tuyến giao thông quan trọng, đồng thời dọc hai bên dòng sông có nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, làng cổ ven sông như làng gốm Bát Tràng, Bút Tháp, Đền Đô... thu hút khách du lịch. Sông Hương ở Huế nổi tiếng với vẻ đẹp thơ mộng và sự gắn kết với di sản văn hóa thế giới Cố đô Huế. Ở miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống kênh rạch dày đặc là vùng lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái và khám phá văn hóa sông nước (chợ nổi như Cái Răng, Phong Điền). Ngoài ra, nhiều khu vực sông nước tại Việt Nam có hệ sinh thái đa dạng, là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm như: Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), U Minh Thượng (Kiên Giang), Cát Tiên (Đồng Nai)… Không chỉ là những điểm đến du lịch sinh thái nổi tiếng, những vùng đất ngập nước này còn góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường tự nhiên.
Dù có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng đến nay, du lịch đường sông ở Việt Nam vẫn phát triển chậm và chưa tương xứng với tiềm năng. Tiến sỹ Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ ra những khó khăn, tồn tại kìm hãm sự phát triển du lịch ngành sôngvà cho rằng: Tạo dựng gói sản phẩm du lịch đường sông hấp dẫn để thúc đẩy ngành du lịch phát triển là cần thiết. Cần nhìn nhận rõ thực trạng các tồn tại, hạn chế và thực trạng tiềm năng để đưa ra định hướng và giải pháp phát triển bền vững du lịch đường sông trong thời gian tới. Các sản phẩm du lịch mới cần được xây dựng trên cơ sở tăng cường kết nối giữa các địa phương, giữa các con sông và dựa vào các sản phẩm du lịch đã và đang được khai thác. Đồng thời, thực hiện đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thúc đẩy kinh tế du lịch, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội nhưng luôn đảm bảo yếu tố an ninh, quốc phòng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đánh giá, việc phát triển du lịch đường sông có thể thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng (như: Cảng du lịch, bến tàu và các khu vực xung quanh). Đồng thời, khai thác du lịch đường sông có thể góp phần giảm áp lực lên các điểm du lịch và hệ thống giao thông đường bộ, đặc biệt tại các thành phố lớn. Bên cạnh những đóng góp về kinh tế và văn hóa, bằng cách thúc đẩy các hoạt động du bền vững, du lịch đường sông có thể góp phần bảo tồn các hệ sinh thái quan trọng dưới nước và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng chỉ ra một số nguyên nhân chính cản trở sự phát triển du lịch đường sông như: Hạ tầng giao thông đường thủy còn kém, hạ tầng du lịch còn nhiều hạn chế, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, ngành du lịch còn thiếu chiến lược và quy hoạch để phát triển loại hình du lịch đường sông một cách đồng bộ. Các địa phương thiếu liên kết. Công tác xúc tiến, quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch đường sông còn hạn chế.
Du lịch Việt Nam được định hướng phát triển thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch đường sông gắn với các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái vẫn là một trong những hướng ưu tiên trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Để có thể khai thác tốt hơn du lịch đường sông, một số giải pháp cần tập trung thực hiện là: Đầu tư hạ tầng và quy hoạch đòng bộ; phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; tăng cường liên kết giữa các địa phương; tăng cường quản lý môi trường…/.