Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức tập huấn pháp luật 2024 cho hơn 200 đại biểu là thường trực, lãnh đạo, chuyên viên làm công tác pháp luật.
TTXVN - Ngày 10/4, tại thành phố Đà Nẵng, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức tập huấn pháp luật 2024 cho hơn 200 đại biểu là thường trực, lãnh đạo, chuyên viên làm công tác pháp luật của 63 tỉnh, thành Hội Cựu chiến binh trên toàn quốc và Hội Cựu chiến binh các ban, bộ, ngành trung ương (khối 487).
Tại tập huấn, các đại biểu được giới thiệu về Luật Phòng thủ dân sự và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở; các chuyên đề Hướng dẫn thực hiện Quy chế phối hợp số 2726/QC-BQP-HCCBVN ngày 3/8/2023 và công tác pháp luật của Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Luật Phòng thủ dân sự được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5, ngày 20/6/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, ngày 28/11/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Theo Trung tướng Khuất Việt Dũng, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, công tác pháp luật của Hội Cựu chiến binh Việt Nam thời gian qua luôn được quan tâm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả trên các mặt công tác trọng tâm. Hội đã tham gia xây dựng pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cựu chiến binh và Hội Cựu chiến binh; tham gia góp ý phản biện xã hội về các dự luật được giao; thực hiện công tác phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác pháp chế, công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên cựu chiến binh, cựu quân nhân và nhân dân…
Đại tá Nguyễn Thái Bình, Ban Pháp luật, Hội Cựu chiến binh Việt Nam nêu lên sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Phòng thủ dân sự. Luật quy định cụ thể về những nguyên tắc hoạt động, cấp độ, hoạt động phòng thủ dân sự; thiết quân luật trong tình trạng chiến tranh… Để thực thi luật này, Trung ương sẽ hợp nhất Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia. Đây là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng tham mưu cho Chính phủ trong việc tổ chức, chỉ đạo, điều hành về phòng thủ dân sự trên phạm vi cả nước.
Hội nghị tập huấn cũng giới thiệu về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Luật giúp điều chỉnh, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động từ sau Cách mạng tháng 8/1945 và hiện đang hoạt động ở địa bàn cơ sở để thống nhất thành một lực lượng chung. Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở quy định cụ thể về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tiêu chuẩn tuyển chọn; quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở…
Để các luật này kịp thời được triển khai thực hiện, áp dụng vào cuộc sống ngay khi có hiệu lực, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung tướng Khuất Việt Dũng nhấn mạnh: Các cấp Hội cần tuyên truyền, vận động, giáo dục để từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ chuyên môn, kỹ năng vận dụng trong hoạt động thực tiễn. Việc tổ chức tập huấn sẽ góp phần tạo chuyển biến tích cực về công tác pháp luật của Hội, trong đó trọng tâm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.../.
Quốc Dũng