Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng
Qua gần 2 năm triển khai nghị quyết, Bình Thuận đã đạt được những kết quả tích cực, nhận thức và tầm nhìn về mục đích, tầm quan trọng, vai trò của chuyển đổi số được nâng lên.
TTXVN - Sáng 21/2, Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 18/3/2022 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá kết quả đạt được; chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, khó khăn, vướng mắc và phân tích rõ nguyên nhân; từ đó, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt nghị quyết trong thời gian tới.
Theo ông Võ Thành Công, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, để phát triển chính quyền số, đầu tư hạ tầng số, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển dữ liệu theo danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, danh mục dữ liệu mở của tỉnh đã ban hành, trọng tâm triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc các lĩnh vực ưu tiên chuyên đổi số; kết nối, tích hợp và khai thác, sử dụng hiệu quả các nền tảng số quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia. Bên cạnh đó, địa phương cần thu hút, phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn về công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước...
Giám đốc Sở Nội vụ Đỗ Thái Dương cho rằng, hiện tiến độ thực hiện số hóa các giấy tờ, kết quả giải quyết hồ sơ hành chính trên địa bàn tỉnh còn chậm; một số cơ sở dữ liệu liên quan thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp chưa được kết nối sử dụng, khai thác hiệu quả… Do đó, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ triển khai đảm bảo 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng.
Qua gần 2 năm triển khai nghị quyết, Bình Thuận đã đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức và tầm nhìn của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, tầm quan trọng, vai trò của chuyển đổi số được nâng lên. Đến nay, 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh được thực hiện qua hệ thống thông tin báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ... Tỉnh đã triển khai thử nghiệm Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thành phố Phan Thiết (IOC Phan Thiết); nền tảng Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Bình Thuận (IOC Bình Thuận); ứng dụng CDS Bình Thuận trên các thiết bị di động thông minh cung cấp nhiều tiện ích cho người dân, tăng cường việc tương tác giữa chính quyền và người dân trên môi trường điện tử…
Kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh khẳng định, chuyển đổi số vừa là thách thức vừa là cơ hội để tỉnh bứt phá, chuyển đổi toàn diện, vươn tầm cao mới trong quá trình tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do đó thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển đổi tư duy số, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân, doanh nghiệp về tính cấp thiết của chuyển đổi số; chú trọng phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các cấp. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần tập trung thực hiện chuyển đổi số ở cơ quan, đơn vị mình.
Các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong nghị quyết; đồng thời, nghiên cứu, xây dựng, ban hành cấu trúc số hóa, đồng bộ, liên thông của tỉnh; đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt, hiệu quả, có khả năng mở rộng, nâng cấp trong dài hạn. Các đơn vị tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên của chuyển đổi số; nhất là các lĩnh vực quy hoạch, tài nguyên, môi trường, đầu tư xây dựng… Đồng thời, các đơn vị vận hành thí điểm và chính thức, hoàn thiện, phát triển Trung tâm Điều hành đô thị thông minh của tỉnh. Các cấp, ngành chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người lao động, người dân về chuyển đổi số./.