Thực thi chính sách

Tạo sự đồng thuận cao nhất trong thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hà Nội

Hà Nội cần đưa tinh thần của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống, đảm bảo dân biết, dân bàn, dân giám sát, tạo sự đồng thuận cao nhất cũng như sự ổn định và đem lại động lực mới cho các địa phương.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN – Sáng 1/12, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, trong năm 2024, thành phố Hà Nội sẽ triển khai nhiều công việc lớn liên quan đến đời sống, tâm tư nguyện vọng của hàng vạn người dân, trong đó có việc sáp nhập xã, phường, thị trấn liên quan đến 70 đơn vị xã, phường, thị trấn của thành phố. Đây là nhiệm vụ lớn, cần phải đưa tinh thần của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống, đảm bảo dân biết, dân bàn, dân giám sát, tạo sự đồng thuận cao nhất. Việc thực thi hiệu quả tinh thần của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ này là tạo được sự đồng thuận trong nhân dân cũng như tạo sự ổn định và đem lại động lực mới cho các địa phương sau sáp nhập phát triển.

“Cải tạo chung cư cũ” cũng là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người, cần phát huy tinh thần dân chủ, đồng lòng của người dân, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, trong đó đảm bảo an toàn tính mạng, sinh kế cho người dân, đồng thời cải tạo, tái thiết lại bộ mặt đô thị để có cảnh quan ngày càng văn minh, thanh lịch, hiện đại. Thành phố cũng phát huy tinh thần của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở trong giải quyết các vấn đề về giải phóng mặt bằng, an sinh xã hội…

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền quán triệt thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản pháp luật liên quan để việc thực hiện Luật này đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, trở thành một trong những phương thức phát huy dân chủ để dân chủ thực sự là một trong những phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động của hệ thống chính trị. Cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ… đối với việc thi hành Luật; xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong triển khai thi hành Luật…

UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan trong việc tổ chức thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; đồng thời trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định các biện pháp đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở; xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV ban hành ngày 10/11/2022, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Để triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Chỉ thị số 24 – CT/TU, ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy “về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”, Thành ủy Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện các nội dung: Lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến và tập huấn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; rà soát các văn bản, quy định liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, hết hiệu lực thi hành để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; xây dựng các văn bản quy định chi tiết thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; chú trọng kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất việc thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật./.

Tuyết Mai

Xem thêm