Bình Phước tiếp tục tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu lao động để kịp thời điều tiết, hạn chế tình trạng nơi thừa, nơi thiếu lao động.
TTXVN - Tỉnh Bình Phước đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kết nối cung - cầu lao động, chăm lo đời sống người lao động nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh cũng như người lao động tìm được công việc phù hợp, ổn định cuộc sống.
Kết nối cung - cầu lao động
Năm 2024, Bình Phước phấn đấu 43.000 người được giải quyết việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 67%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì dưới 3%.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, thực hiện mục tiêu này, tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai Đề án 1869/QĐ-UBND về thu hút, chuyển đổi cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án 1842/QĐ-UBND về tăng cường giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Việc thực hiện hai đề án này nhằm đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh; tham mưu sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Bình Phước tiếp tục tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu lao động để kịp thời điều tiết, hạn chế tình trạng nơi thừa, nơi thiếu lao động. Cụ thể, các đơn vị, địa phương tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm trên địa bàn; kịp thời có phương án hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết; thực hiện các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.
Các đơn vị, địa phương liên quan triển khai các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, người sử dụng lao động thông qua việc hướng dẫn, đảm bảo chi trả các chính sách an sinh xã hội theo quy định; thực hiện các giải pháp để duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Các đơn vị, địa phương chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; các giải pháp để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, giảm chi phí sản xuất kinh doanh thông qua việc giảm lãi suất vay, hỗ trợ giảm thuế, giảm các khoản phí, lệ phí phải đóng.
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương tập trung rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng vùng, ngành, lĩnh vực; hỗ trợ các bên đối thoại, giải quyết các vấn đề quan hệ lao động phát sinh; triển khai các biện pháp thích hợp để phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh tranh chấp lao động và bỏ việc làm; giải quyết thỏa đáng, có hiệu quả các cuộc tranh chấp lao động, các yêu cầu phát sinh, không để tranh chấp kéo dài, giải quyết không dứt điểm gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Ở góc độ quản lý ngành, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Mai Hương cho biết, Sở chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương trao đổi thông tin cung - cầu lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động như: Phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm, kết nối thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Mặt khác, các đơn vị, địa phương, cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp để nắm bắt, kịp thời ngăn chặn việc người lao động bị lôi kéo, kích động từ bên ngoài gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến người lao động đang làm việc. Các địa phương, đơn vị phối hợp với các cơ quan chuyên môn về lao động, bảo hiểm xã hội để bố trí nhân lực, hướng dẫn và tổ chức chi trả kịp thời các chính sách cho người lao động và đảm bảo đúng đối tượng; đẩy nhanh việc thực hiện chuyển đổi số trong giao dịch việc làm để tạo thuận lợi cho việc kết nối cung - cầu lao động, tiết kiệm chi phí.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động đến các tầng lớp nhân dân, nâng cao chất lượng lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp; đẩy mạnh thông tin, dự báo thị trường lao động, xây dựng các giải pháp cung ứng đủ nguồn lao động tại chỗ cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn
Chăm lo đời sống cho người lao động
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Phước Nguyễn Thị Hương Giang khẳng định, tỉnh tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ nguồn lực để các tổ chức Công đoàn thực hiện các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động.
Công đoàn các cấp chủ động tham gia với các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động thực hiện việc trả lương, trả thưởng cho đoàn viên, người lao động vào dịp Tết. Các cấp Công đoàn kịp thời phát hiện và có các giải pháp đảm bảo quyền lợi của đoàn viên, người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, chủ bỏ trốn hoặc tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động.
Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai hiệu quả phong trào Thi đua học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học tập suốt đời trong công nhân lao động; tăng cường các hoạt động tư vấn pháp luật, tuyên truyền cho người lao động không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; hỗ trợ kịp thời chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động. Liên đoàn chỉ đạo các cấp Công đoàn tăng cường hoạt động đối thoại, thương lượng, tham gia ý kiến với người sử dụng lao động về bảo đảm duy trì việc làm, sắp xếp lao động và giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy định pháp luật.
Tết Nguyên đán 2024 năm nay, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ ưu tiên tổ chức và hỗ trợ tổ chức các hoạt động nổi bật. Cụ thể như chương trình “Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ” cấp tỉnh; chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2024” tại Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh; chương trình “Hành trình Tết Công đoàn - Xuân 2024” với việc tổ chức các phương tiện đưa, đón miễn phí hoặc hỗ trợ vé tàu, vé xe, máy bay… cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết và quay lại nơi làm việc trên tinh thần đảm bảo an toàn, thuận lợi, chu đáo và phù hợp điều kiện thực tế tại mỗi cấp Công đoàn.
Liên đoàn Lao động tỉnh cũng tổ chức hoạt động thăm, tặng quà, chúc Tết trong dịp Tết Nguyên đán 2024, gắn với các hoạt động tri ân, gặp gỡ đoàn viên, người lao động sau Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hương Giang cho biết, dự kiến Tết Giáp Thìn 2024 các cấp Công đoàn có phần quà Tết cho hơn 119.000 đoàn viên, người lao động với mức từ 150.000 - 500.000 đồng. Riêng cấp tỉnh sẽ có khoảng 11.000 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được nhận quà với mức bình quân khoảng 500.000 đồng/người.
Đối với việc thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Mai Hương cho biết, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp duy trì mức thưởng bằng một tháng lương (đối với người lao động làm việc từ đủ 1 năm trở lên). Mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 85 triệu đồng (vị trí quản lý cấp cao Công ty Trách nhiệm hữu hạn Jason Furniture Việt Nam); thấp nhất 4,2 triệu đồng.
Mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân của doanh nghiệp trong nước là 6 triệu đồng, doanh nghiệp FDI 6,2 triệu đồng. Một số doanh nghiệp đã thưởng lương tháng 13 cho người lao động vào dịp Tết dương lịch 2024 nên Tết Nguyên đán Giáp Thìn chỉ tặng quà hoặc một số tiền nhỏ động viên tinh thần, giữ chân người lao động.
Theo Ban Quản lý khu Kinh tế Bình Phước, việc doanh nghiệp trong khu công nghiệp thực hiện tốt chế độ lương, thưởng đã giữ chân được người lao động. Trong năm 2023, các doanh nghiệp đã giải quyết thêm gần 2.000 việc làm, không để xảy ra tình trạng mất việc làm, ảnh hưởng đời sống người lao động./.