Tổng kết hoạt động năm 2023: Đã hỗ trợ sinh kế cho 100 nạn nhân bom mìn sau chiến tranh
Hội tổ chức thành công các hoạt động tuyên truyền và hỗ trợ sinh kế cho gần 100 nạn nhân bom mìn, trao tặng 70 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, trao tặng 60 suất quà cho học sinh là con em nạn nhân bom mìn 3 tỉnh Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế và Gia Lai.
TTXVN-Ngày 12/1, tại Hà Giang, Trung ương Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 2, nhiệm kỳ 2022-2027 nhằm tổng kết hoạt động công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Theo Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, năm 2023, Hội tổ chức thành công các hoạt động tuyên truyền và hỗ trợ sinh kế cho gần 100 nạn nhân bom mìn, trao tặng 70 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, trao tặng 60 suất quà cho học sinh là con em nạn nhân bom mìn 3 tỉnh Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế và Gia Lai. Đặc biệt, Hội tập trung tuyên truyền, vận động với nhiều nội dung, hình thức phong phú như, tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân, vận động nhà tài trợ trong nước và quốc tế chung tay hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Hà Giang là tỉnh biên giới phía Bắc, có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là tỉnh bước ra khỏi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc sau cùng cả nước. Trải qua cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới những năm 1979 - 1989 đầy khốc liệt, hệ thống bom mìn, vật cản trên một số khu vực, nhất là khu vực gần các điểm cao chiến lược mật độ lớn và dày.
Khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ chủ yếu nằm dọc trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tại các huyện biên giới Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần và Hoàng Su phì. Đến nay, tổng diện tích đất đã rà phá bom, mìn vật nổ trên địa bàn toàn tỉnh là 12.233 ha. Diện tích ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên địa bàn tỉnh còn khoảng 77.900 ha. Trong đó, có khoảng 7.500 ha có mật độ bom mìn dày đặc. Mặc dù Hà Giang đã nỗ lực thực hiện công tác tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn nhưng nguy cơ vẫn còn rất cao, tiềm ẩn rủi ro cho người dân và trẻ em.
Theo thống kê chưa đầy đủ, Hà Giang có trên 400 nạn nhân bị tai nạn bom mìn trong nhiều năm qua. Có những nạn nhân bị cụt cả 2 chân, có nạn nhân bị cụt cả 2 tay hay có nạn nhân bị cụt một tay và một chân kèm theo hỏng mắt.
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao hoạt động chung tay, vận động hỗ trợ của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, giúp nạn nhân cả nước nói chung và Hà Giang nói riêng vơi bớt khó khăn vì thiếu đi một phần cơ thể.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý mong muốn, năm 2024 và những năm tiếp theo, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tại các tỉnh, thành phố.
Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cho biết, phát huy kết quả đạt được, năm 2024, Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cá nhân, tổ chức trong nước tham gia hoạt động Hội và tổ chức phát triển thêm hội, chi hội mới tại các địa phương. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà tài trợ, tổ chức xã hội nhân đạo, từ thiện nghiên cứu mở rộng địa bàn hỗ trợ; hỗ trợ sinh kế kết hợp khám chữa bệnh cho người nghèo, nạn nhân bom mìn, da cam, người tàn tật và đối tượng chính sách tại địa phương trọng điểm, vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Dịp này, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” cho các Ủy viên Ban Thường vụ Hội; trao kỷ niệm chương cho lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang và Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh vì đã có nhiều đóng góp với hoạt động của Hội. Đồng thời trao 50 suất quà cho nạn nhân bom, mìn tỉnh Hà Giang./.