Môi trường

Tập trung nghiên cứu công nghệ địa chất, khoáng sản phù hợp thực tiễn

Năm 2024, Viện sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, dự án hợp tác quốc tế, nhiệm vụ chuyên môn chuyển giao từ năm 2023.

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

TTXVN - Chiều 17/1, tại Hà Nội, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị sơ kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Dự và phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đánh giá, trong điều kiện cắt giảm các nhiệm vụ, đặc biệt nhiệm vụ khoa học công nghệ, chuyên môn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản vẫn duy trì hoạt động tương đối đều, không chỉ giải quyết đời sống cho cán bộ khoa học nghiên cứu mà còn thể hiện vai trò, vị thế của Viện trong các mặt nghiên cứu, lĩnh vực có thế mạnh.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tiếp tục tập trung nhân lực, trí tuệ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong năm 2024. Đặc biệt, Viện cần đẩy mạnh phối hợp với các đối tác nước ngoài để tìm kiếm nguồn vốn, xây dựng dự án hợp tác mới, nhất là các hướng nghiên cứu tiên tiến và công nghệ địa chất - khoáng sản phù hợp để áp dụng ở Việt Nam theo định hướng quốc gia phát triển bền vững và giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Theo Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Trịnh Hải Sơn, năm 2024, Viện sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, dự án hợp tác quốc tế, nhiệm vụ chuyên môn chuyển giao từ năm 2023... ; trong đó gồm 4 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ chuyển tiếp năm 2023 và hai nhiệm vụ mở mới năm 2024. Viện phối hợp chặt chẽ với Cục Địa chất, Cục Khoáng sản, các đơn vị trực thuộc Bộ, xây dựng, triển khai nhiệm vụ chuyên môn, tăng cường năng lực nghiên cứu.

Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Quách Đức Tín cho biết, năm 2023, Viện đã thực hiện tốt các nhiệm vụ sự nghiệp kinh tế như Đề án “Lập bản đồ sinh khoáng và dự báo khoáng sản ẩn sâu khu vực Đông Bắc Bắc Bộ tỷ lệ 1:250.000”. Đề án “Điều tra, đánh giá đặc điểm karst ngầm nhằm phục vụ quản lý, quy hoạch phát triển dân cư vùng Đông Bắc Việt Nam” đã hoàn thành công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng sập sụt và giải đoán tư liệu ảnh viễn thám các khu vực nghiên cứu, điều tra hiện trạng tai biến địa chất liên quan đến karst ngầm tỷ lệ 1:50.000 cho 10 xã khu vực huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng).

Viện đã thực hiện tốt nhiệm vụ các đề án Chính phủ như: Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam; đánh giá tiềm năng tài nguyên urani trên lãnh thổ Việt Nam; bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam; điều tra, đánh giá địa nhiệt và các nguồn nước khoáng nóng vùng Tây Bắc.

Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Quách Đức Tín báo cáo tại Hội nghị (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Cùng với đó, Viện đã hoàn thành điều tra tổng quan 19 nguồn địa nhiệt và nước khoáng nóng trên địa bàn các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An; hoàn thành công việc điều tra chi tiết khu vực thị trấn Ít Ong và xã Nậm Păm (Mường La, Sơn La); xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên)... có nhiều nguồn xuất lộ nước khoáng nóng.

Ngoài việc triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ và chuyên môn, Viện tăng cường hợp tác với các đơn vị, tổ chức, trường đại học nước ngoài trong lĩnh vực nghiên cứu đang triển khai với mục tiêu nâng cao chất lượng khoa học, mở ra những hướng nghiên cứu mới trong tương lai, đào tạo cán bộ khoa học.

Năm 2023, các hoạt động hợp tác quốc tế của Viện diễn ra sôi nổi, hiệu quả và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Viện tiếp tục duy trì quan hệ đối tác với các tổ chức như: Quỹ Nghiên cứu và Đổi mới Vương quốc Anh (UKRI), Hội đồng liên trường Đại học Flemish, Vương quốc Bỉ (VLIR-UOS), Viện Địa chất Ba Lan... Bên cạnh đó, Viện đang xây dựng đề xuất với một số đối tác mới.../.

Diệu Thúy

Xem thêm