Môi trường

Thiết lập nền tảng tài nguyên số trong quản lý, khai thác khoáng sản

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị trong ngành Địa chất và Khoáng sản cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ trẻ…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh biểu dương thành tích mà ngành Địa chất và Khoáng sản đạt được trong năm 2023 (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

TTXVN - Chiều 11/1, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước ngành Địa chất và Khoáng sản năm 2023.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh ghi nhận, biểu dương thành tích ngành Địa chất và Khoáng sản đã đạt được trong năm 2023. Ngành đã phân công nhiệm vụ cụ thể và quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm như: Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cấp phép hoạt động khoáng sản; công tác tiếp nhận, thẩm định và trình phê duyệt hồ sơ hoạt động khoáng sản đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, đảm bảo tiến độ….

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong năm 2024, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị trong ngành Địa chất và Khoáng sản cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ trẻ… Đồng thời, ngành cần tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện các nhiệm vụ. Ngoài ra, ngành cần thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác theo dõi, tổng hợp công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn các tỉnh, thành phố đảm bảo khoa học, phục vụ hiệu quả cho công tác tổng hợp, lập báo cáo định kỳ và đột xuất..

*Hoàn thành các nhiệm vụ

Ông Trần Phương, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, năm 2023, Cục đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành 6 giấy phép thăm dò khoáng sản, 25 giấy phép khai thác khoáng sản, 16 quyết định điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản, 15 quyết định đóng cửa mỏ, 9 quyết định phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ, 2 quyết định điều chỉnh Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản.

Công tác kiểm soát hoạt động khoáng sản được đẩy mạnh, đảm bảo chất lượng. Cục Khoáng sản đã thực hiện 15 cuộc kiểm tra theo kế hoạch, 43 cuộc kiểm tra đột xuất theo yêu cầu công tác quản lý nhà nước. Các hành vi vi phạm được phát hiện qua công tác kiểm tra, kiểm soát đã được chuyển đến Thanh tra Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý theo thẩm quyền.

Cục Khoáng sản đã hoàn thành kiểm tra công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; xác định tiền hoàn trả về chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản do Nhà nước đã đầu tư đối với các giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tại các tỉnh Tiền Giang, Thanh Hóa, Hòa Bình và Phú Thọ.

*Ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Theo ông Trần Mỹ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, nhằm đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, năm 2023, Cục đã xây dựng và ký kết Biên bản ghi nhớ với các đối tác về các nội dung như hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ đánh giá khoáng sản biển sâu, đánh giá khoáng sản ẩn sâu, khoáng sản quan trọng, chiến lược phục vụ chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, mô hình dự báo tác động môi trường, sạt lở bờ sông, bờ biển, đào tạo phát triển nguồn nhân lực với các đối tác như: KIGAM (Hàn Quốc), FESCO (Nga), Deltare (Hà Lan), METATEK (Anh)....

Đặc biệt, năm 2023, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành đã được Cục Địa chất Việt Nam triển khai đạt hiệu quả tốt; trang thông tin điện tử được cập nhật thường xuyên. Cục đã phối hợp chặt chẽ với Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường trong việc ứng dụng Hệ thống Quản lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường mạng; sử dụng phần mềm Quản lý nhân sự cho các đơn vị; thực hiện ký số 100% văn bản phát hành (thông thường) của Cục....

Để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, năm 2024, ngành Địa chất và Khoáng sản sẽ tiếp tục xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để báo cáo Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản; hoàn thiện hồ sơ Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2024, triển khai thực hiện xây dựng các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật Địa chất và Khoáng sản.

Đồng thời, các đơn vị trong ngành tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền về pháp luật, các nội dung liên quan đến công tác quản lý Nhà nước, các hoạt động bảo vệ, khai thác khoáng sản, các hành vi vi phạm pháp luật để góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho công chức, viên chức các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội và chấn chỉnh hoạt động liên quan đến lĩnh vực tài nguyên khoáng sản../.

Diệu Thúy

Xem thêm