Môi trường sinh thái đang dần hồi phục, tình trạng ô nhiễm cơ bản được khắc phục. Việc phân loại rác thải tại nguồn đã thành thói quen của người dân Nam Sách (Hải Dương).
TTXVN - Phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình luôn là vấn đề “nóng” ở khu vực đô thị và nông thôn khi tỷ lệ đô thị hóa ngày càng cao, đời sống nhân dân được cải thiện nhưng phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường. Huyện Nam Sách (Hải Dương) là đơn vị duy nhất trong toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ hệ thống quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại tất cả thôn, khu dân cư trên địa bàn.
Đưa Nghị quyết vào cuộc sống
Trước đây, rác chất "cao như núi", tràn ngập kênh rạch, được đốt bừa bãi dọc đường giao thông là hình ảnh thường thấy tại Nam Sách. Chất thải rắn sinh hoạt tại các thôn trên địa bàn chỉ được thu gom chung và vận chuyển đến bãi chứa của thôn hoặc bãi chứa tập trung của xã, thị trấn. Việc xử lý rác thải theo hình thức chôn lấp thủ công, không đảm bảo yêu cầu về môi trường. Ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt là vấn đề bức xúc của người người dân, là nỗi lo, trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Trước thực trạng trên, ngày 22/3/2022, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách có Nghị quyết số 13-NQ/HU về “Thực hiện phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện”.
Theo ông Trần Đức Khanh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Sách, trước khi có Nghị quyết, huyện có 16 bãi chứa rác thải tập trung của các xã, thị trấn và 53 bãi của các thôn. Các bãi chứa rác thải đều có tỷ lệ lấp đầy trên 70%. Ba xã chưa có bãi rác tập trung, 40 thôn, khu dân cư chưa có bãi chứa rác riêng. Trong khi đó, mỗi ngày, toàn huyện phát sinh khoảng 80 tấn rác thải. Tình trạng ô nhiễm môi trường, đốt rác thải tại các bãi rác thường xuyên diễn ra; rác, phế liệu vứt bừa bãi tại các khu đất trống, đê điều, công trình thủy lợi, kênh mương. Nhiều diện tích canh tác gần bãi rác phải bỏ hoang do ruồi bọ và nước từ bãi rác chảy ra… Người dân thường xuyên phản ánh, kiến nghị về tình trạng ô nhiễm do các bãi rác thải bốc mùi hôi thối, khói bụi, ô nhiễm môi trường, không khí các khu vực lân cận.
Để giải quyết tình trạng này, các cơ quan chức năng địa phương đã khảo sát, đánh giá thực trạng các bãi rác tập trung, dự báo nhu cầu xử lý rác, năng lực thu gom của các tổ vệ sinh môi trường, khả năng tiếp nhận và dự báo thời gian lấp đầy của các bãi rác hiện có. Từ đó, Nghị quyết được ban hành với mục tiêu đến năm 2025, 100% số thôn, khu dân cư và 100% số hộ dân thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn; 100% chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại tại hộ gia đình, được vận chuyển, xử lý đúng quy định.
Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn lựa chọn vị trí xây dựng điểm trung chuyển rác thải và các ô ủ đảm bảo. Cùng với đó, HĐND huyện thông qua Nghị quyết hỗ trợ kinh phí cho các xã, thị trấn thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn với kinh phí năm 2022 là trên 6,7 tỷ đồng để mua chế phẩm, tuyên truyền, hỗ trợ thu gom, vận chuyển chất thải rắn ra điểm trung chuyển và xử lý ủ mùn rác hữu cơ. HĐND huyện cũng có Nghị quyết hỗ trợ thêm 30% kinh phí đóng bảo hiểm y tế ngoài kinh phí ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ cho người thu gom rác thải trên địa bàn huyện. Sau 3 tháng triển khai, Nam Sách đã hoàn thành các ô rác hữu cơ và điểm trung chuyển rác thải vô cơ với 44 vị trí ủ rác hữu cơ, 120 ngăn ủ rác; 20 điểm trung chuyển rác vô cơ, đường giao thông… với tổng kinh phí xây dựng hơn 11 tỷ đồng.
Ông Dương Văn Xuyên, Bí thư Huyện ủy Nam Sách cho biết, các xã, thị trấn đã có Nghị quyết chuyên đề, chỉ đạo Chi bộ trực thuộc quán triệt, triển khai Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy, kế hoạch của UBND huyện và Nghị quyết của Đảng ủy, kế hoạch của UBND xã, thị trấn đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Các đơn vị đã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ kiểm tra, giám sát, phân công nhiệm vụ cho đảng viên, tổ viên, hội viên, đoàn thể thực hiện hướng dẫn, giám sát đến từng hộ gia đình trong quá trình triển khai. Công tác kiểm tra, nhắc nhở được địa phương quan tâm thực hiện; đồng thời, tổ chức rút kinh nghiệm sau từng giai đoạn.
Theo ông Khúc Văn Hướng, Bí thư, Chủ tịch UBND xã An Lâm cho biết, Nghị quyết được Huyện ủy ban hành đã giúp cải thiện đời sống của người dân và môi trường nông thôn. Xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, từng cán bộ, công chức xã, thôn. Ban Chỉ đạo đã cùng các hội, đoàn thể, trưởng thôn đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động. Ngoài ra, cán bộ xã còn dùng sơn ghi rõ trên thùng rác để người dân biết và phân loại đúng rác vô cơ, hữu cơ, rác độc hại…
Thời gian đầu, Ban Chỉ đạo xã đã phân công thành viên đi cùng các tổ thu gom rác để nhắc nhở việc thu gom, phân loại rác của người dân; kiểm tra, giám sát từ khi thu gom đến khi đổ ra bãi rác thải hoặc điểm trung chuyển; đồng thời, tiến hành kiểm tra xác suất các xe chở rác, nếu phân loại không tốt sẽ khiển trách và kiên quyết không cho xe chở đi xử lý. Xã đã lắp camera để giám sát, tránh việc đổ trộm rác thải trên địa bàn.
Tạo chuyển biến từ nhận thức
Hằng ngày, gia đình bà Nguyễn Thị Đỉnh (xã Nam Tân) đều phân loại, bỏ rác vào hai chiếc thùng rác vô cơ và hữu cơ. Bà Đỉnh chia sẻ: “Ngày trước, gia đình tôi cứ bỏ rác hết vào một chỗ, không được sạch sẽ. Sau khi được tuyên truyền, gia đình đã chủ động phân loại, bỏ mỗi loại rác vào một thùng. Người dân đã hiểu, thấy rõ lợi ích của việc này nên ai cũng chủ động phân loại khi vứt rác và hoàn toàn ủng hộ các cấp chính quyền".
Ông Khúc Văn Hướng, Bí thư, Chủ tịch xã An Lâm chia sẻ, lúc đầu, việc phân loại rác gặp nhiều khó khăn do phải thay đổi thói quen. Tuy nhiên, nhờ công tác tuyên truyền và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, đoàn thể, ý thức của người dân trong xã thay đổi từng ngày. “Sau khoảng 1 tháng, người dân chủ động phân loại rác từ hộ gia đình”, ông Hướng vui vẻ cho biết.
Theo ông Khúc Văn Hướng, hiện nay, các thôn đều đã xây dựng được hố chôn rác hữu cơ, được xử lý bằng chế phẩm sinh học, đến khi oải mục thì làm phân bón. Mỗi tuần, trên địa bàn xã phát sinh khoảng 8 tấn rác vô cơ, được vận chuyển đi xử lý tại các nhà máy. Người dân chỉ phải đóng phí vệ sinh môi trường để phục vụ công tác thu gom; còn chi phí vận chuyển rác hữu cơ đi xử lý là được xã, huyện hỗ trợ. Đến nay, đường làng, ngõ xóm các thôn đã sạch sẽ, không còn hiện tượng vứt rác bừa bãi.
Để tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, ngay khi Nghị quyết được ban hành, Đài phát thanh, Cổng thông tin điện tử của huyện, trang Fanpage Đài phát thanh Nam Sách đã tập trung tuyên truyền; mở chuyên mục “phân loại rác thải tại nguồn, hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”; đồng thời, hướng dẫn đài truyền thanh xã tăng cường thời lượng tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh để nhân dân nắm bắt, thực hiện. Các trường học đã có nhiều cách làm sáng tạo giáo dục, hướng dẫn học sinh thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt. Các hội, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc tích cực vào cuộc, bằng nhiều kênh thông tin, tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; xây dựng các mô hình điểm. Qua đó, góp phần nhân rộng, nâng cao nhận thức của nhân dân về phân loại, xử lý rác thải rắn sinh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Thơm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Sách cho biết: “Từ những kết quả bước đầu cho thấy, ý thức, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, gia đình, mỗi hội viên nông dân trong công tác bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao; chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn ngày càng được cải thiện rõ rệt".
Đến nay, tỷ lệ phân loại, thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn huyện đạt 97%. Phần lớn các bãi rác tập trung được san lấp, trồng cây xanh. Môi trường sinh thái đang dần hồi phục, tình trạng ô nhiễm cơ bản được khắc phục. Việc phân loại rác thải tại nguồn đã thành thói quen của người dân nơi đây. Mỗi hộ gia đình đã có 2 thùng đựng rác thải hữu cơ và vô cơ riêng biệt, tạo thuận lợi cho khâu vận chuyển, xử lý. Tình trạng vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi ra đường giao thông, xuống lòng kênh, mương đã giảm rõ rệt; không còn tình trạng chôn lấp rác thải. Ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt được giải quyết; người dân đồng thuận cao và không còn kiến nghị liên quan tới rác thải sinh hoạt.
Thời gian tới, để việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt đi vào nề nếp, hiệu quả, ông Hồ Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Nam Sách cho biết, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, tạo thành thói quen tốt cho người dân. Huyện tiếp tục tập trung xử lý tốt các loại rác thải cồng kềnh, vật liệu xây dựng; thành lập Hợp tác xã vệ sinh môi trường ở các xã, thị trấn hoặc kết hợp với các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp để thực hiện việc vệ sinh môi trường…. Lãnh đạo huyện kiến nghị, tỉnh Hải Dương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí, phương tiện để địa phương làm tốt hơn nữa việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn./.
- Từ khóa:
- chất thải rắn sinh hoạt
- thu gom
- xử lý
- Hải Dương