Pháp luật

Tập trung thi hành các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo

TP. Hồ Chí Minh

Cục Thi hành án dân sự Thành phố tích cực tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự theo hướng rút gọn quy trình thi hành án.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại hội nghj. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

TTXVN - Ngày 4/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự, án hành chính năm 2024. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục C10 Bộ Công an và các đơn vị của Thành phố tham dự hội nghị.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá, năm 2024, nhiệm vụ thi hành án dân sự toàn quốc nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là rất nặng nề. Bên cạnh các vụ việc mà cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành, Tòa án sẽ tiếp tục xét xử một số đại án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo như các vụ việc liên quan đến Vạn Thịnh Phát, AIC, Tân Hoàng Minh,….

Vì vậy, Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành hai chỉ tiêu lớn trong thi hành án là số lượng việc và số tiền, phải quyết liệt chỉ đạo tổ chức thi hành dứt điểm những việc có điều kiện thi hành; đặc biệt là tập trung nguồn lực để thi hành có hiệu quả các vụ án thuộc danh sách án Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo; các vụ việc tín dụng, ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tiến độ, kết quả xử lý tài sản, chủ động.

Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu Cục Thi hành án dân sự Thành phố tích cực tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự theo hướng rút gọn quy trình thi hành án, có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan tố tụng... Cục quán triệt nghiêm túc Quy định 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đến từng công chức, người lao động. Đồng thời, phát huy hơn nữa hiệu quả phối hợp liên ngành với các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án trên địa bàn trong các mặt công tác thi hành án, xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng để hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ.

Theo Cục Thi hành án dân sự, trong năm 2023, tổng số việc và tiền phải thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự thành phố tiếp tục đứng đầu trong cả nước với hơn 104.000 việc, tương ứng hơn 143.000 tỷ đồng phải được giải quyết. Trong số các vụ việc có điều kiện thi hành án, cơ quan thi hành án đã tổ chức thi hành xong 55.403 việc, tăng 6,62% so với cùng kỳ năm 2022. Về tiền, thi hành xong hơn 37/80 nghìn tỷ đồng số có điều kiện thi hành, tăng 34,29% so với cùng kì năm 2022 và vượt chỉ tiêu được giao năm 2023.

Riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tổng số có 467 việc phải giải quyết với tổng số tiền là 74,1 tỷ đồng và đã thi hành xong hơn 17,7 nghìn tỷ đồng. Cục đã thi hành xong 3 vụ án thuộc diện theo dõi, chỉ đạo; giao hai tài sản lớn tại số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, số 8 - 12 Lê Duẩn; thực hiện việc cấn trừ nghĩa vụ thi hành án trong vụ Phạm Công Danh; thực hiện các biện pháp cưỡng chế, xác minh, xử lý tài sản để thu hơn 200 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.../.


Thành Chung

Xem thêm