Cùng với việc thả tôm giống, các lực lượng chức năng còn tập trung tuyên truyền để ngư dân hiểu và thực hiện nghiêm các quy định về thủy sản, chống khai thác IUU.
TTXVN - Trong chuỗi các hoạt động Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải lần thứ XXI năm 2024 (từ 16 - 18/4), diễn ra tại ấp 2, thị trấn Gành Hào, ngày 18/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu phối hợp với UBND huyện Đông Hải, Đồn Biên phòng Gành Hào (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tỉnh Bạc Liêu) tổ chức thả 4,7 triệu con tôm giống tại cửa biển Gành Hào. Khu vực này được xác định có môi trường phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của các giống loài thủy sản nên có khả năng phục hồi, tái tạo.
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng cùng lãnh đạo UBND, các sở, ngành và đông đảo người dân cùng tham gia.
Số tôm giống được thả lần này được vận động từ các công ty, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh tôm giống trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đóng góp. Tất cả tôm giống đều bảo đảm kích cỡ, đã qua kiểm dịch; đảm bảo sinh trưởng tốt khi sống trong môi trường tự nhiên.
Ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải cho biết, việc thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản là hoạt động thường niên của huyện Đông Hải nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản. Cùng với việc thả tôm giống, các lực lượng chức năng còn tập trung tuyên truyền để ngư dân hiểu và thực hiện nghiêm các quy định về thủy sản, chống khai thác IUU, chung tay cùng cả nước tháo gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu, tích cực tham gia bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Chủ tịch UBND huyện Đông Hải Trần Tuấn Kiệt chia sẻ, hoạt động bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản của huyện đạt được nhiều kết quả khích lệ. Mỗi năm, để khôi phục nguồn nuôi, địa phương thả hơn 4 triệu con giống ra môi trường tự nhiên. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân tích cực tham gia thả con giống thủy sản; nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên, không sử dụng chất nổ, xung điện,… trong khai thác thủy sản để góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, đa dạng hóa các loài thủy sản.
Nhờ vậy, nhận thức của người dân, nhất là ngư dân ven biển về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái ngày càng được nâng lên. Để chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thời gian tới, UBND huyện Đông Hải tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, bảo vệ nguồn lợi thủy sản./.