Môi trường

Thực hiện giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán

Đắk Lắk

UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk chủ động sử dụng các nguồn lực thực hiện giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán/

Hạn hán khốc liệt đang xảy ra ở nhiều địa bàn tỉnh Đắk Lắk. 
Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

TTXVN - Ngày 17/4, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cho biết, theo thống kê sơ bộ, đến ngày 15/4/2024 đã có hơn 2.000 ha cây trồng trên địa bàn bị ảnh hưởng cùng hàng trăm hộ dân thiếu nước sinh hoạt do hạn hán kéo dài.

Cụ thể, đầu năm 2024 đến nay là thời kỳ mùa khô, trên địa bàn tỉnh hầu như không mưa. Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, điều kiện El Nino tiếp tục duy trì đến tháng 5/2024, từ tháng 6 - 8/2024 khả năng chuyển sang trạng thái trung tính. Nắng nóng kéo dài đã khiến nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt khan hiếm, nhiều công trình thủy lợi cạn nguồn nước.

Toàn tỉnh có 858 công trình thủy lợi (trong đó có 619 hồ chứa, 161 đập dâng, 78 trạm bơm). Đến nay, 44 hồ đã cạn nước; 139 hồ có dung tích dưới 50%; 135 hồ còn từ 50% đến dưới 70%; 127 hồ còn trên 70%.

Dự báo thời gian tới, nếu không có mưa và thời tiết tiếp tục nắng nóng như hiện nay, mực nước ở các hồ chứa, sông suối sẽ tiếp tục giảm mạnh. Đặc biệt, tại các hồ chứa nhỏ, lượng nước gần như bằng không. Trong khi đó, công trình được đầu tư xây dựng đã lâu nên lòng hồ bị bồi lắng. Các công trình này tập trung nhiều ở các huyện Krông Búk, Ea H’leo, Krông Năng, Lắk, Buôn Đôn, Krông Pắc và thị xã Buôn Hồ.

Theo báo cáo sơ bộ của các huyện Krông Pắc, Krông Búk, Cư Kuin, Lắk, Buôn Đôn và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, đến nay, khoảng 2.055 ha cây trồng các loại và một số diện tích ao nuôi thủy sản bị hạn. Các địa phương, đơn vị đang tích cực triển khai biện pháp chống hạn; đồng thời, khẩn trương rà soát, tổng hợp tình hình hạn hán, thiếu nước.

Thời gian tới, nguồn nước mặt và nước ngầm dự kiến sẽ giảm dần. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước của nhân dân tăng cao dẫn đến khả năng nguồn nước sẽ bị thiếu hụt. Cục bộ tại một số khu vực khan hiếm nguồn nước đã xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Do đó, các đơn vị quản lý công trình cấp nước phải thực hiện cấp nước luân phiên hoặc người dân phải chủ động lấy nước của các hộ xung quanh để sử dụng. Cụ thể: 5 công trình do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý đang thực hiện cấp nước luân phiên đối với 1.505/6.413 hộ do bị thiếu nguồn nước tại các huyện: Ea H’leo, Krông Pắc, Krông Bông, Cư M’gar. Ngoài ra, 531 hộ dân sử dụng nước giếng bị thiếu nước sinh hoạt ở các xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) và Ea Sin (huyện Krông Búk) đã chủ động lấy nước của các hộ xung quanh để sử dụng.

Diễn biến khô hạn được dự báo tiếp tục kéo dài, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk tăng cường quản lý tốt nguồn nước hồ chứa, phân phối cấp nước hợp lý và thực hiện các giải pháp chống hạn đảm bảo ổn định đời sống nhân dân.

UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk chủ động sử dụng các nguồn lực thực hiện giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước trên địa bàn; tổng hợp, báo cáo tình hình hạn hán, thiếu nước; có phương án triển khai giải pháp ứng phó và báo cáo kết quả thực hiện phòng, chống hạn hán, thiếu nước gửi UBND tỉnh (thông qua Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổng hợp, đề xuất các bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ theo quy định.../.

Tuấn Anh

Xem thêm