Nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích, bệnh nghề nghiệp cho công nhân, lao động, các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động đã tích cực cải thiện môi trường làm việc.
Nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích, bệnh nghề nghiệp cho công nhân, lao động, các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã tích cực cải thiện môi trường làm việc. Cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động.
* Doanh nghiệp chủ động cải thiện môi trường lao động an toàn
Được thành lập từ năm 2015, Nhà máy sản xuất hàng gia dụng Elmich Hà Nam (huyện Bình Lục) đang có 350-400 lao động với mức thu nhập từ 8- 15 triệu đồng/tháng. Nhà máy luôn đặt vấn đề an toàn vệ sinh lao động lên hàng đầu và đã áp dụng tiêu chuẩn SA8000 (tiêu chuẩn xã hội quốc tế được phát triển bởi Tổ chức Trách nhiệm Xã hội Quốc tế - Social Accountability International - SAI) và tiêu chuẩn 5S (Sàng lọc; Sắp xếp; Sạch sẽ; Săn sóc; Sẵn sàng) nhằm tạo nên môi trường làm việc an toàn, hiệu quả. Tất cả công nhân, người lao động được trang bị bảo hộ lao động hiện đại và tham gia các lớp tập huấn về phòng chống cháy nổ, an toàn lao động. Hằng năm, 100% người lao động được khám bệnh định kỳ theo quy định. Riêng lao động nữ được khám thai sản 2-3 tháng/lần và được giảm 1 giờ làm việc trong thời kỳ kinh nguyệt.
Ông Lê Quốc Vương, Giám đốc Nhà máy cho biết, bảo đảm an toàn trong sản xuất là vấn đề quan trọng, quyết định đến sự phát triển ổn định của doanh nghiệp. Tại các bộ phận, Ban An toàn vệ sinh lao động sẽ kiểm tra kỹ lưỡng máy móc, trang thiết bị và có xác nhận rõ ràng hằng ngày cho Ban Giám đốc trước khi người lao động vào làm việc. Đây là giải pháp hiệu quả góp phần giúp người lao động hình thành thói quen luôn quan sát tình trạng thiết bị, dụng cụ và điều kiện môi trường lao động xung quanh. Trong nhiều năm liền, nhà máy không có trường hợp nào bị tai nạn lao động.
Tương tự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Q P Việt Nam (Khu công nghiệp Thanh Liêm, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm làm từ giấy, bìa) luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn khi sử dụng điện, trong quá trình sản xuất, vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa… Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho gần 1.000 công nhân lao động làm việc trong các dây chuyền sản xuất của nhà máy, công ty xây dựng nội quy, quy trình an toàn lao động theo đúng quy định; lên kế hoạch hướng dẫn người lao động quy trình thực hiện trước khi đi vào sản xuất và tiến hành giám sát việc thực hiện các quy định này. Công ty còn trang bị đầy đủ và yêu cầu công nhân sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động đúng quy định; trang bị các thiết bị sơ cứu cần thiết.
Anh Vũ Văn Thăng, Ban An toàn lao động, Nhà máy Q P Việt Nam cho biết, để đảm bảo an toàn nơi làm việc, chúng tôi thường xuyên kiểm tra dây chuyền sản xuất để kịp thời khắc phục các sự cố; quán triệt công nhân lao động nghiêm túc thực hiện chế độ vận hành máy móc, công nghệ theo đúng quy trình của nhà sản xuất. Công ty định kỳ tổ chức tập huấn kiến thức phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ, công nhân viên và kiểm tra đôn đốc mọi người thực hiện nghiêm túc công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Với các giải pháp đồng bộ, công ty thực sự tạo dựng được môi trường làm việc an toàn, thân thiện, để người lao động yên tâm gắn bó và cống hiến.
Thời gian qua, các doanh nghiệp tại khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam luôn quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Bên cạnh việc cải tạo nhà xưởng, xây dựng hệ thống chống nóng, chống ồn, hút bụi, hệ thống chiếu sáng... Lãnh đạo các doanh nghiệp còn quan tâm thực hiện chế độ chính sách về an toàn, vệ sinh lao động. Nhờ vậy, tai nạn lao động đã giảm đáng kể, giúp người lao động yên tâm làm việc.
* Tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của các tổ chức công đoàn
Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn lao động được xác định là do sự chủ quan của người lao động, không tuân thủ nghiêm các biện pháp làm việc an toàn, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng cách phương tiện bảo vệ cá nhân. Bên cạnh đó, chủ sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo hộ cho người lao động; không tổ chức tập huấn hoặc tập huấn không đầy đủ về an toàn, vệ sinh lao động cho công nhân... Do vậy, việc giám sát chặt chẽ an toàn lao động, tạo môi trường làm việc tốt cho công nhân sẽ giúp người lao động giảm thiểu rủi ro, tai nạn. Điều này đang được các tổ chức công đoàn cơ sở, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước tại Hà Nam tích cực triển khai thực hiện.
Ông Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam cho biết, để đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho đoàn viên, công nhân, các cấp công đoàn cơ sở tại Hà Nam đã phát huy hết vai trò của mình. Các đơn vị chủ động đề xuất, tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền đồng cấp tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát nội quy, quy trình an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp theo quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào các ngành, nghề có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như xây dựng, khai thác khoáng sản, hóa chất, cơ khí, làm việc trong không gian hạn chế... Đồng thời, các đơn vị tập trung thanh tra, kiểm tra việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đo kiểm môi trường lao động, công tác huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động; công tác khám sức khỏe định kỳ cho người lao động… Các cấp công đoàn cơ sở còn tổ chức động viên, khen thưởng kịp thời đoàn viên, người lao động có sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động và bảo đảm an toàn vệ sinh lao động; tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”./.