Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện còn 132,5km/315km đê từ cấp I đến cấp III còn thiếu cao trình so với thiết kế.
TTXVN - Là một trong những địa phương có hệ thống đê điều lớn nhất cả nước, Thanh Hóa hiện có 1.008 km đê các loại; trong đó, đê từ cấp I đến cấp III dài 315km, đê dưới cấp III dài 693km. Tuy nhiên, địa bàn tỉnh hiện có tới 35 trọng điểm xung yếu về đê điều, không bảo đảm an toàn, mang lại những nỗi lo không nhỏ về sự an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân khi mùa mưa bão đang đến rất gần.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện còn 132,5km/315km đê từ cấp I đến cấp III còn thiếu cao trình so với thiết kế. Nhiều đoạn đê có mặt đê nhỏ, hẹp, chưa được cứng hóa... Được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cùng với nguồn ngân sách của tỉnh, Thanh Hóa đã đầu tư kinh phí tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều nhưng vẫn chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế.
Nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn những đoạn đê có nền đê yếu, nhiều đoạn thân đê cao trên 5m dễ xảy ra sạt trượt khi có mưa lũ, trong thân đê ẩn chứa nhiều ẩn họa như tổ mối, hang chuột... Một số đê sông như đê sông Hoạt, sông Càn (huyện Nga Sơn), đê tả Sông Yên qua huyện Nông Cống... đang có diễn biến sạt lở, chưa có kè bảo vệ. Một số đê đã thực hiện tu bổ nhiều lần, chất đất không đồng nhất, độ chặt của thân đê không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ sự cố trong mùa mưa bão.
Để chủ động trong công tác hộ đê, phòng, chống lụt bão năm 2023, đề phòng những sự cố bất trắc có thể xảy ra và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã phối hợp với các địa phương xây dựng 35 phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu về đê điều (gồm hai trọng điểm loại I, 14 trọng điểm loại II và 19 trọng điểm loại III), tăng 4 trọng điểm so với năm 2022.
Thanh Hóa đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương hỗ trợ triển khai 4 dự án nâng cấp, sửa chữa công trình đê điều với tổng kinh phí dự kiến khoảng 1.566 tỷ đồng gồm: dự án tu bổ xung yếu hệ thống đê điều giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư nâng cấp trên 26 km đê và làm mới 7 cống trên các tuyến đê hữu sông Mã; tả, hữu sông Lèn và tả, hữu sông Lạch Trường (thuộc các huyện Thiệu Hóa, Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn); dự án kè chống sạt lở bờ tả, hữu sông Chu khu vực cầu Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa và đê tả sông Lèn, huyện Hà Trung; dự án CAIFRM/ADB10 (đang ở giai đoạn Báo cáo nghiên cứu khả thi), dự kiến quy mô đầu tư nâng cấp khoảng 72,842 km đê trên các tuyến đê sông Chu, sông Lèn (thuộc địa bàn huyện Vĩnh Lộc, Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc, thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn)...
Ông Lê Minh Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa) cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương có trọng điểm về đê xây dựng phương án phòng, chống riêng cho từng trọng điểm, tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện các sự cố, tiến hành xử lý từ giờ đầu, góp phần đảm bảo an toàn cho cả tuyến đê. Đến thời điểm này, các trọng điểm đê điều trên địa bàn tỉnh đều đã được lập và phê duyệt các phương án bảo vệ theo quy định, bảo đảm phòng, chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ".
Để tránh tình trạng khi sự cố xảy ra không có hoặc không đủ vật tư, nhân lực, phương tiện để xử lý ngay từ giờ đầu, làm cho việc xử lý không kịp thời, kém hiệu quả, Ban Chỉ huy Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương có đê thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc chuẩn bị vật tư dự trữ phòng chống lụt bão tại các xã, phường, thị trấn; trong đó, chú ý kiểm tra cụ thể số lượng, chất lượng các loại vật tư, phương tiện hiện có tại các kho để bổ sung thay thế các loại vật tư bị mục nát, hư hỏng không đảm bảo chất lượng. Đồng thời, Ban yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong công tác hộ đê, phòng, chống lụt bão, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, đặc biệt là các hạng mục chống lũ, đảm bảo chất lượng, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật để kịp thời đưa vào phục vụ phòng, chống lụt bão năm 2023.
Với những diễn biến thời tiết khó lường như hiện nay, việc tỉnh Thanh Hóa chủ động phòng, chống rủi ro, đảm bảo an toàn hồ, đập là rất cần thiết, giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra thiên tai. Trong năm 2022, tỉnh đã đầu tư, xử lý triệt để được 7 trọng điểm về phòng, chống lụt bão như: trọng điểm đê Tây sông Cùng đoạn từ Km5+500-Km6+050 (xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa); trọng điểm đê hữu sông Hoạt từ Km21+200-Km27+700 (xã Hà Hải, xã Hà Châu, huyện Hà Trung); trọng điểm đê tả sông Mã từ Km60-Km60+800 (phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn); trọng điểm cống Hón tại Km31+500 đê tả sông Nhơm (xã Trung Chính, huyện Nông Cống).../.