Trước đó, trong 2 ngày 2-3/5, do ảnh hưởng của không khí lạnh yếu, kết hợp với dòng xiết gió Tây trên cao, trên địa bàn tỉnh có mưa, có nơi mưa rất to và dông, gây thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.
TTXVN - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Công điện số 08/CĐ-UBND gửi các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả do dông lốc, mưa lớn gây ra đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, đối với diện tích lúa bị đổ, gãy, các đơn vị huy động tối đa phương tiện và nhân lực tổ chức dựng, bó lúa thành khóm, tiêu kiệt nước trên mặt ruộng không để bông lúa bị ngập nước, tổ chức thu hoạch nhanh khi lúa chín khoảng 80% trở lên. Đối với cây ngô sắp thu hoạch, các địa phương kiểm tra cụ thể, nếu bị đổ, gãy khẩn trương thu hoạch, liên hệ với cơ sở chăn nuôi thu mua cho nông dân, nếu không bị gãy cần dựng nhẹ để thân ngô không nằm trên mặt đất (không dựng đứng).
Với các loại cây rau màu và cây nguyên liệu khác, các địa phương chủ động tiêu kiệt nước nếu bị ngập, vun lại gốc kết hợp xới xáo, sau khi cây hồi phục chăm sóc bình thường. Các địa phương kiểm tra kỹ công trình thủy lợi, hệ thống kênh tiêu, kênh tưới; tu sửa, nạo vét, khơi thông dòng chảy phục vụ việc tiêu thoát nước chủ động nếu có mưa lớn xảy ra; rà soát, kiểm tra, thống kê và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chính xác diện tích cây trồng bị thiệt hại, mức độ thiệt hại.
Các đơn vị tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết, thiên tai, dự báo và thông tin chính xác, kịp thời, chi tiết phục vụ công tác phòng, chống và khắc phục hiệu quả. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra; tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
Trước đó, trong 2 ngày 2-3/5, do ảnh hưởng của không khí lạnh yếu, kết hợp với dòng xiết gió Tây trên cao, trên địa bàn tỉnh có mưa, có nơi mưa rất to và dông, gây thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp. Đơn cử, trên địa bàn huyện Yên Định, ước tính có khoảng 8 - 10% tổng diện tích gieo trồng bị ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, chủ yếu là lúa và ngô đang trong thời kỳ chuẩn bị thu hoạch bị đổ, gãy, ngập nước...
UBND huyện chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện giải pháp khắc phục diện tích lúa, hoa màu bị ảnh hưởng.
Địa phương này đã ban hành Công điện số 04/CĐ-UBND về việc tập trung khắc phục hậu quả do dông lốc, mưa lớn gây ra. Theo đó, các Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách và thành viên Ủy ban nhân dân huyện trực tiếp về cơ sở chỉ đạo các xã, thị trấn khắc phục, báo cáo nhanh khó khăn để huyện có chỉ đạo sát, kịp thời; tăng cường kiểm tra, thăm đồng, hướng dẫn bà con giải pháp phòng, chống và chăm sóc cây trồng sau mưa lớn, dông lốc... nên giảm được thiệt hại, rủi ro đáng kể cho cây trồng vụ chiêm xuân./.