Văn hóa

Thành phố cảng Hải Phòng: Bồi đắp và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Hải Phòng

Thực hiện Nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thành phố Hải Phòng luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa một cách toàn diện.

Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng phát biểu tại một sự kiện. (Ảnh TTXVN phát)

TTXVN - Kế thừa tinh hoa văn hóa của dân tộc, lĩnh hội quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Văn hóa còn thì dân tộc còn", thành phố Hải Phòng đã và đang gìn giữ, bồi đắp và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, riêng có của vùng đất cửa biển. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng về nội dung này:

* Hồn cốt của dân tộc

- Phóng viên: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: "Văn hóa còn thì dân tộc còn", văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc. Bà suy nghĩ như thế nào về quan điểm này?

- Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai: Quan điểm "Văn hóa còn thì dân tộc còn" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tầm quan trọng, vai trò to lớn của văn hóa, có ý nghĩa “sống còn” đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của một quốc gia, dân tộc. Quan điểm này của Tổng Bí thư đã nói lên bản chất quan trọng của văn hóa là "hình thành nên tinh thần cho quốc gia"- yếu tố "then chốt" để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Một cảnh trong vở múa rối Dế mèn phiêu lưu ký thuộc Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam ở mỗi thời kỳ, Đảng ta luôn chú trọng xử lý hài hòa các mối quan hệ giữa chính trị, kinh tế và văn hóa. Khắc phục quan điểm "duy kinh tế", chạy theo tăng trưởng mà coi nhẹ vai trò của văn hóa. Trong lĩnh vực xây dựng văn hóa, cần đặt trọng tâm và xây dựng con người, xây dựng nhân cách phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, tài năng và thể lực con người. Xây dựng cơ chế chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người, con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Kiên quyết đấu tranh chống tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tình trạng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển bền vững đất nước.

* Thành phố lịch sử văn hóa cổ

- Phóng viên: Bà có thể khái quát đặc trưng văn hóa của thành phố cảng Hải Phòng?

- Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai: Hải Phòng được biết đến là thành phố Cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; là một trong hai trung tâm phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Một cảnh trong vở kịch nói Romeo và Juliet thuộc Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN phát)

Hải Phòng được sinh ra trên một miền đất cổ với một nền tảng lịch sử và văn hóa - xã hội lâu đời. Vùng đảo ven biển của Hải Phòng là nơi cất giữ các di tích tiền sử đại diện cho các giai đoạn phát triển của đất nước; các di chỉ khảo cổ học Cái Bèo, Xuân Đám, Cát Đồn… Trong đất liền, lòng đất Hải Phòng là nơi duy nhất bảo tồn một kho tàng chế tác đồ ngọc Nephrite nổi tiếng di chỉ xưởng Tràng Kênh, Thủy Nguyên; nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng ở Hải Phòng với loại hình mộ thuyền Việt Khê, An Sơn...

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, các vương triều Việt Nam đã có những chiến thắng vẻ vang chống lại sự xâm lược của các đế chế phương Bắc trên vùng đất Hải Phòng, như chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền; trận Bạch Đằng năm 981 của Lê Hoàn; và trận Bạch Đằng năm 1288 của Trần Hưng Đạo… đến năm 1527, vương triều Mạc ra đời, đã chọn vùng cửa sông Văn Úc tạo lập Dương Kinh, triển khai chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước theo tầm nhìn mới hướng ra đại dương. Ngoài ra, Hải Phòng còn là nơi có viên ngọc sáng, danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, có di sản thiên nhiên thế giới quần đảo Cát Bà…

Năm 1888, với Nghị định thành lập Hội đồng thành phố Hải Phòng của toàn quyền Đông Dương, Hải Phòng chính thức trở thành thành phố Cảng và là một trong ba đô thị đứng đầu toàn Đông Dương (Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng). Đầu thế kỷ XX, Hải Phòng đã có dáng dấp của một đô thị - cảng biển hiện đại, hội nhập quốc tế. Minh chứng là tại trung tâm đô thị Hải Phòng hiện nay còn hiện hữu rất nhiều di sản kiến trúc Pháp cổ và các công trình văn hóa tiêu biểu, như: Dải vườn hoa trung tâm, Tòa đốc lý (tòa thị chính) nay là UBND thành phố; Dinh Công sứ - trụ sở của Công sứ người Pháp, nay là HĐND thành phố; Nhà hát lớn nay là Nhà hát thành phố; Nhà Ga... Tất cả những mốc lịch sử đó nói lên rằng thành phố Hải Phòng là một thành phố lịch sử văn hóa cổ.

* Giáo dục giá trị chân, thiện, mỹ được nhân rộng

- Phóng viên: Văn hóa của vùng đất nơi cửa biển hiên ngang "đầu ngọn sóng" được gìn giữ, bồi đắp và phát triển như thế nào, thưa bà?

- Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai: Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thành phố Hải Phòng đã luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa một cách toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, hiện nay thành phố Hải Phòng có 552 di tích xếp hạng các cấp (trong đó: 01 di sản thế giới, 01 di tích quốc gia đặc biệt, 116 di tích cấp quốc gia...) và 11 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc thông qua văn hóa vật thể, phi vật thể giúp cho việc giáo dục tình yêu quê hương đất nước, truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, những giá trị chân, thiện, mỹ đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ được nhân rộng, là nền tảng tạo nên một xã hội tốt đẹp và phát triển bền vững.

Một tiết mục văn nghệ trong Chương trình Hải Phòng chào năm mới 2024. (Ảnh: TTXVN phát)

Hoạt động văn học nghệ thuật của thành phố Hải Phòng có những tác động tích cực đối với thị hiếu, tâm tư tình cảm của nhân dân và sự phát triển chính trị, kinh tế - xã hội của thành phố và đất nước. Văn học nghệ thuật thành phố đã phản ánh trung thực và sinh động cuộc sống phong phú, đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân trên các lĩnh vực, biểu dương ca ngợi những cái tốt, cái đúng, đồng thời lên án cái xấu để hướng tới chân - thiện - mỹ. Các tác phẩm văn học - nghệ thuật góp phần nâng cao dân trí, giáo dục đạo đức cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, giúp nhận thức đúng đắn về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nghệ thuật của thế giới để làm giàu văn nghệ nước nhà.

Thành phố cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, văn nghệ quần chúng, nhằm từng bước đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Ngoài ra, thành phố triển khai Đề án Sân khấu truyền hình đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, hiện đại, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của người Hải Phòng. Các chương trình có chủ đề, nội dung tư tưởng nhằm khơi dậy truyền thống cách mạng, bề dày lịch sử, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước và con người Việt Nam, đặc trưng vùng đất và con người Hải Phòng xưa và nay.

Các hoạt động sáng tác của văn nghệ sĩ, hoạt động thể dục thể thao của thành phố đã có nhiều tín hiệu vui và có những bước phát triển mới theo đúng định hướng.

* Trang bị tri thức về văn hóa

- Phóng viên: Thưa bà, trước sự tác động đa chiều của xã hội số, văn hóa số và hội nhập sâu rộng toàn cầu, chúng ta cần những định hướng gì để tiếp tục xây dựng và phát triển một nền văn hóa đậm bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng?

- Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai: Tôi cho rằng mỗi chúng ta cần nhận thức sâu sắc thêm và chăm lo xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần giáo dục nếp sống, phong cách ứng xử văn hóa cho mọi người, bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc đi đôi với mở rộng giao lưu, hội nhập với bên ngoài, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa thế giới. Làm tốt nhiệm vụ này, cũng chính là đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân lao động trong thời đại 4.0.

Một thực tế hiện nay là khi đất nước mở cửa giao lưu, hội nhập với thế giới bên ngoài, đồng nghĩa với tiếp biến văn hóa. Vấn đề là chúng ta tiếp biến theo hướng nào? Đâu đó, chúng ta bắt gặp những hình ảnh lạ, hiện đại và đầy quyến rũ xâm nhập vào Việt Nam. Nếu chúng ta chạy theo những cái đó mà quay lưng lại với bản sắc văn hóa dân tộc là tự đánh mất mình, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, đánh mất giá trị di sản cội nguồn.

Lễ hội Xa Mã - Rước kiệu Đình Hoàng Châu (xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải) - di sản văn hoá độc đáo Vùng duyên hải Bắc Bộ.( Ảnh: TTXVN phát.)

Vì vậy, mỗi chúng ta phải tự trang bị cho mình tri thức về văn hóa, về giá trị di sản văn hóa dân tộc, về chủ trương, đường lối văn hóa của Đảng; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền đường lối văn hóa của Đảng đến cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ. Từng bước hình thành các giá trị chuẩn mực góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, nâng cao sức mạnh nội sinh nhằm khắc phục những hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái đạo đức xã hội.

Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo điều kiện cho sự sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.

Tiếp đó, tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục di sản văn hóa tại các bảo tàng và di tích, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc...

Có như vậy, thì cốt cách dân tộc, lòng tự tôn dân tộc mới thực sự là hạt nhân trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và góp phần thực hiện thắng lợi đường lối văn hóa của Đảng.

- Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Đoàn Minh Huệ (Thực hiện)

Xem thêm