Xã hội

Thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 52.000 chỗ làm việc sau Tết

TP. Hồ Chí Minh

Sau Tết nguyên đán đến hết tháng 3/2024, Thành phố cần khoảng 52.000 chỗ làm việc.

Thành phố Hồ Chí Minh cần hàng chục nghìn việc làm sau Tết. (Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN)


TTXVN - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau Tết nguyên đán đến hết tháng 3/2024, Thành phố cần khoảng 52.000 chỗ làm việc.

Trong đó, tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 70,56% tổng cầu nhân lực; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,66% và khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm 0,78%. Ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu, nhu cầu nhân lực chiếm 20,77% và 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 59,23%.

Về trình độ, nhu cầu lao động đã qua đào tạo chiếm 86,55%, trong đó nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp chiếm 19,74%; trung cấp chiếm 27,77%; cao đẳng chiếm 19,61%; đại học trở lên chiếm 20,43%.

Theo bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố (đơn vị trực thuộc Sở) tiếp nhận thông tin đăng ký tuyển dụng của 102 doanh nghiệp với tổng nhu cầu tuyển dụng gần 20.000 vị trí việc làm. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng tập trung nhiều ở các ngành da giày - may mặc, chiếm 42,76% tổng nhu cầu tuyển dụng; lao động phổ thông chiếm 12,15%; kinh doanh - quản lý chiếm 11,27%; công nghệ thông tin chiếm 5,61%; kỹ thuật - cơ khí chiếm 5,27% và ngành nghề khác khoảng 22,94%.

Nhu cầu tìm việc của người lao động trước và sau Tết Nguyên đán là gần 17.000 người, tập trung tại các ngành, nghề như: Quản trị văn phòng chiếm 19,91% tổng nhu cầu tìm việc; lao động phổ thông chiếm 16,42%; kinh doanh - quản lý chiếm 16,08%; kế toán - kiểm toán chiếm 10,83%, công nghệ thông tin là 6,41% và ngành nghề khác chiếm 30,35%.

Để ổn định tình hình lao động, việc làm, quan hệ lao động thời gian tới, bà Lượng Thị Tới cho biết sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước, chăm lo đời sống người lao động; tiếp tục theo dõi tình hình lao động quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán, tình hình thiếu hụt lao động tại doanh nghiệp. Đồng thời, Sở phối hợp tổ chức chương trình tiếp sức người lao động, kết nối cung - cầu lao động giúp họ sớm ổn định công việc; doanh nghiệp tập trung kế hoạch sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố tăng cường phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối cung - cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại doanh nghiệp, sắp xếp lại lao động nhằm hạn chế thiếu hụt lớn lao động trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp (trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề); đẩy mạnh phối hợp Sở, ngành triển khai hiệu quả quy chế phối hợp giữa Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Liên đoàn Lao động Thành phố, Bảo hiểm xã hội Thành phố, nhất là trong nắm bắt tình hình lao động, thúc đẩy xây dựng quan hệ giữa lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp.

Theo bà Lượng Thị Tới, Sở phối hợp đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức tăng cường giám sát, kịp thời tìm hiểu, hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định; đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; ngăn ngừa, giảm thiểu tranh chấp lao động, nghỉ việc tập thể phát sinh trên địa bàn.

Đồng thời, tăng cường thông tin, phổ biến chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động để không chỉ đảm bảo chất lượng việc làm, thích ứng những thay đổi công nghệ sản xuất mà còn phù hợp định hướng của Thành phố…, bà Lượng Thị Tới nhấn mạnh./.


Thanh Vũ

Tin liên quan

Xem thêm