Thời sự

Thành phố Hồ Chí Minh giảm dần từ trợ cấp sang tổ chức sản xuất, kinh doanh để người dân tự thoát nghèo

Năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giảm 0,38% hộ nghèo và giảm 0,28% hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều thành phố, giai đoạn 2021 - 2025.

Quang cảnh buổi giám sát. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

TTXVN - Ngày 9/8, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết 24/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn Thành phố từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2023.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả rà soát đầu giai đoạn 2021 - 2025, thành phố có 58.019 hộ, với 227.743 nhân khẩu (chiếm 2,29%/tổng hộ dân thành phố). Đến hết tháng 6/2023, thành phố còn lại 39.375 hộ nghèo, hộ cận nghèo, với 155.736 nhân khẩu (chiếm 1,55%/tổng hộ dân thành phố); trong đó có 21.308 hộ nghèo với 83.088 nhân khẩu (chiếm 0,84%) và 18.067 hộ cận nghèo với 72.648 nhân khẩu (chiếm 0,71%).

Như vậy, qua 2 năm thực hiện, Thành phố Hồ Chí Minh đã kéo giảm hơn 17.700 hộ nghèo và hơn 11.100 hộ cận nghèo. Riêng năm 2023, thành phố cũng đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giảm 0,38% tỷ lệ hộ nghèo và giảm 0,28% tỷ lệ hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều thành phố giai đoạn 2021 - 2025.

Theo bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, để đạt được kết quả đó, ngay từ đầu chương trình thành phố đã đẩy mạnh chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hơn 12.000 lao động cùng các chính sách trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội như hỗ trợ hộ nghèo diện khó khăn, chăm lo Tết Nguyên đán… Thành phố thực hiện chính sách giảm nghèo thông qua hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi như nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo đã cho 17.369 lượt hộ vay vốn với tổng số tiền hơn 947 tỷ đồng. Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa thành phố đã giải ngân cho 160 lượt hộ vay với tổng số tiền 4,7 tỷ đồng; tổng dư nợ hơn hơn 30 tỷ đồng cho 1.713 hộ vay. Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn cho vay giải quyết việc làm thành phố đã giải ngân cho hơn 77.272 lượt hộ vay với số tiền hơn 4.697 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 6/2023, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình là 7.918 tỷ đồng, đạt 52% so với tổng kinh phí dự kiến bố trí thực hiện chương trình của giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, chi hỗ trợ chính sách không hoàn lại hơn 679 tỷ đồng; kinh phí thực hiện chương trình hơn 23 tỷ đồng; tổng nguồn vốn cho vay tín dụng, ưu đãi hơn 7.200 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, thành phố thực hiện các chính sách an sinh xã hội như: Mua và cấp hơn 300.000 thẻ bảo hiểm y tế cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo; hỗ trợ hơn 86.000 lượt hộ để tiếp cận nguồn nước sinh hoạt an toàn; hỗ trợ tiền điện cho hơn 302.000 lượt hộ. Thành phố đã thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội tự nguyện cho hơn 4.600 lượt lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở thông qua xây mới 299 nhà tình thương, 128 nhà tình nghĩa; hỗ trợ miễn, giảm học phí cho hơn 42.000 lượt học sinh, hỗ trợ chi phí học tập cho 45 sinh viên người dân tộc thiểu số và gần 41.000 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, hỗ trợ học bổng cho hơn 27.600 học sinh, tiền ăn trưa cho 1.201 lượt trẻ mẫu giáo…

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nhân sự làm công tác giảm nghèo ở phường, xã, thị trấn có nhiều thay đổi (do luân chuyển vị trí công tác hoặc nghỉ việc), kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, tiến độ, nhất là công tác báo cáo, đánh giá, tổng hợp. Vẫn còn trường hợp một số thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo có tâm lý ỷ lại, trông chờ chính sách hỗ trợ, chưa tự giác trong cung cấp thông tin về thu nhập, thiếu hụt các chỉ số tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của thành viên hộ, nên công tác khai thác thông tin còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ kéo giảm một số chiều thiếu hụt xã hội còn chưa cao như: thiếu hụt về nhà ở, bảo hiểm xã hội, trình độ giáo dục của người lớn…

Tại buổi giám sát, đại diện các cơ quan liên quan như Ngân hàng chính sách, Bảo hiểm Xã hội Thành phố nhìn nhận công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị luôn được đảm bảo trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; công tác chăm lo hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo… Đồng thời, cũng chỉ ra những nguyên nhân việc kéo giảm bảo hiểm xã hội tự nguyện là do các hộ gia đình tập trung mưu sinh cuộc sống; việc kéo giảm chỉ số thiếu hụt nhà ở do điều kiện khách quan, việc sửa chữa và xây dựng nhà vướng nhiều thủ tục liên quan đến quyền sở hữu tài sản, các quy định về xây dựng, quy hoạch, kế hoạch chỉnh trang đô thị chung của địa phương và thành phố...

Để nâng cao chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Thái Bình, Phó trưởng Ban Phong trào, Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất nhiều giải pháp chăm lo hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thông qua việc đào tạo nghề, hỗ trợ vốn; hướng dẫn cách thức mua bán, quản lý chi tiêu, phòng ngừa tín dụng đen để từ đó ổn định cuộc sống.

Theo ông Bình, cán bộ trong chương trình cần thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác rà soát, cập nhật danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo; sử dụng nguồn lực để thực hiện chính sách, giải pháp hỗ trợ, bảo đảm đúng mục tiêu, đúng đối tượng. Gắn các hoạt động của Chương trình giảm nghèo bền vững với hoạt động của Trung tâm An sinh Thành phố nhằm tiếp tục các giải pháp hỗ trợ cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo và hộ gặp khó khăn cuộc sống...

Cùng quan điểm, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất việc tham gia của Tổ chức tài chính vi mô CEP (thuộc Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh) vào chương trình giảm nghèo bền vững thành phố bởi đơn vị đã và đang hỗ trợ công nhân, người lao động nghèo vay vốn. Với nguồn vốn và kinh nghiệm hơn 30 năm ông Trung khẳng định CEP sẽ giúp được nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát khỏi chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố...

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi giám sát. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tại buổi giám sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố đã triển khai hiệu quả thực hiện Nghị quyết 24/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị tiếp tục quan tâm các chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo của thành phố thực hiện theo hướng giảm dần từ trợ cấp sang tác động hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tổ chức sản xuất, kinh doanh để tự vươn lên thoát nghèo.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội Thành phố lưu ý cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nghèo, hộ nghèo và hộ cận nghèo chủ động tiếp cận các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm, có điều kiện chăn nuôi trồng trọt, sản xuất kinh doanh... để nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững; thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác rà soát, cập nhật danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo; sử dụng nguồn lực để thực hiện chính sách, giải pháp hỗ trợ, bảo đảm đúng mục tiêu, đúng đối tượng.../.

Thanh Vũ

Xem thêm