Xã hội

Hiệu quả từ Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ về vốn tín dụng ưu đãi, thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, giới thiệu giải quyết việc làm... Qua đó giảm hơn 17.700 hộ nghèo.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh trao Bằng khen cho các tập thể xuất sắc trong Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

TTXVN - Ngày 12/7, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua 2 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố giai đoạn 2021 - 2025, địa phương đã giảm hơn 17.700 hộ nghèo (tỷ lệ kéo giảm 0,7%) và hơn 11.100 hộ cận nghèo (tỷ lệ kéo giảm 0,43%).

Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố đã đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ về vốn tín dụng ưu đãi, thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, giới thiệu giải quyết việc làm, hỗ trợ bảo hiểm xã hội tự nguyện, sửa chữa nhà, trợ cấp hộ khó khăn, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ phương tiện sinh kế… từ nguồn ngân sách địa phương và vận động xã hội hóa trong nhân dân.

Nghị quyết 98/2023/QH15, ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND, ngày 9/12/2020 của Hội đồng nhân dân Thành phố về Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, dự thảo Nghị quyết này sẽ đề xuất sửa đổi bổ sung 3 nội dung gồm: làm rõ về cơ cấu nguồn kinh phí thực hiện chương trình; quy định tiêu chí, điều kiện, mức, nội dung, hình thức và thời gian hỗ trợ của chính sách bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm; xác định đối tượng hộ mới thoát nghèo để thực hiện chính sách.

Khi Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua việc bố trí vốn cho Chương trình giảm nghèo và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND sẽ đáp ứng ngay nguồn vốn cho 14.250 hồ sơ đang tồn đọng ở Ngân hàng Chính sách xã hội (tính đến ngày 30/6/2023) với số vốn đề nghị vay hơn 1.000 tỷ đồng. Việc giải quyết các thủ tục và nhận hồ sơ vay vốn sẽ được thực hiện ở các phường, xã, thị trấn.

Trước đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố cùng các sở, ngành liên quan đã phối hợp rà soát, khảo sát hộ dân, hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ dân trong chương trình giảm nghèo. Kết quả rà soát đầu giai đoạn cho thấy, Thành phố có 58.019 hộ nghèo và cận nghèo với 227.743 nhân khẩu (chiếm 2,29%/tổng số hộ dân Thành phố). Đến cuối năm 2022, Thành phố còn 39.381 hộ nghèo, cận nghèo, với 155.764 nhân khẩu (chiếm 1,55%/tổng số hộ dân Thành phố).

Tính đến quý II/2023, toàn Thành phố có 39.380 hộ nghèo, cận nghèo với 155.760 nhân khẩu (chiếm 1,55% tổng số hộ dân Thành phố); trong đó có 21.313 hộ nghèo với 83.096 nhân khẩu (chiếm 0,84%) và 18.067 hộ cận nghèo với 72.651 nhân khẩu (chiếm 0,71%/tổng số hộ dân Thành phố)./.

Thanh Vũ

Xem thêm