Xã hội

Phú Yên chú trọng đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho người lao động

Phú Yên

Những kết quả trong đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động đã khẳng định hiệu quả trong liên kết giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp

Người lao động tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên. (Ảnh: Tường Quân /TTXVN)

Tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều giải pháp trong việc đào tạo nghề, hỗ trợ vốn và tư vấn việc làm bền vững cho người lao động, qua đây góp phần đáng kể giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, ổn định tình hình trật tự xã hội địa phương.

Hỗ trợ vốn, tư vấn việc làm

Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Trong chương trình này có dự án cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động.

Năm 2022, qua việc thực hiện dự án trên, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên đã ghi nhận có 29 đơn vị, người sử dụng lao động có nhu cầu tìm lao động, cập nhật, thu thập thông tin. Tổng số lao động có nhu cầu tìm việc được thu thập, cập nhật thông tin là 7.880 người; trong đó đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo gần 2.000 người, hộ đồng bào dân tộc thiểu số 394 người.

Từ các thông tin cập nhập về nhu cầu việc làm của người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên đã thực hiện 3 phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm cho 392 người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người đồng bào dân tộc thiểu số. Các lao động được tư vấn, giới thiệu đã có việc làm ổn định, thu nhập khá, ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Hữu Từ, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên cho biết: Trong thời gian tới, Sở sẽ hướng dẫn các địa phương thực hiện đầy đủ các hoạt động trong dự án cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động theo đúng quy định và lồng ghép với các chương trình, dự án đẩy mạnh giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động khác. Cùng với đó, Sở tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện tiểu dự án; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình triển khai thực hiện tiểu dự án này.

Những năm gần đây, xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm “cần câu” để phát triển kinh tế, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên đã triển khai hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn. Mới đây, Ngân hàng vừa có quyết định bổ sung thêm 10 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương cho hai huyện Sơn Hòa và Tây Hòa (mỗi địa phương 5 tỷ đồng) để thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Như vậy, lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn Phú Yên từ nguồn Trung ương đã tăng lên 95 tỷ đồng.

Theo ông Hồ Văn Thục, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên, nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm đã góp phần thu hút, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, nguồn vốn này còn giúp người dân thay đổi thói quen, nhận thức trong sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho gia đình, để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Lao động nông thôn tại Phú Yên được hỗ trợ việc làm bền vững, nâng cao thu nhập. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)

Kết nối đào tạo nghề

Thời gian qua, trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc Phú Yên đã chủ động phối hợp với một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện tổ chức khảo sát, rà soát nhu cầu đào tạo nghề trong các doanh nghiệp, qua đó, nắm bắt nhu cầu ngành, nghề đào tạo để tập trung tuyển sinh, đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp tuyển dụng. Nhà trường đã phối hợp tổ chức cho sinh viên thực hành tại các công ty, doanh nghiệp và đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp.

Theo ông Hoàng Minh Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc Phú Yên, trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi công nhân phải có kỹ thuật tay nghề cao để phục vụ doanh nghiệp. Do vậy, nhà trường đã xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo nghề phù hợp xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hàng năm, giáo trình đều có chỉnh sửa cho sát với thực tiễn. Nhà trường cũng phối hợp doanh nghiệp đào tạo cho các em để ra trường làm được việc ngày.

Các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay đang thu hút người học từ việc nâng cao chất lượng đào tạo gắn với “giải quyết đầu ra”. Các hoạt động như: tăng cường công tác liên kết với các doanh nghiệp, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng hoặc theo nhu cầu xã hội... được đẩy mạnh nhằm giúp nâng cao tỷ lệ học viên sau khi đào tạo có việc làm ngay với mức thu nhập ổn định.

Toàn tỉnh hiện có 20 cơ sở đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung bình mỗi năm đào tạo từ 8.000 - 10.000 học viên, sinh viên với nhiều ngành nghề khác nhau. Trong đó, nhiều ngành nghề đã thu hút được học viên, ra trường có tỷ lệ xin được việc cao, như: hàn; tiện; sửa chữa ô tô; kỹ thuật lắp ráp máy tính; vận hành máy đào, máy ủi; vay công nghiệp; may thời trang; trang điểm cô dâu, uốn tóc; điện dân dụng, điện công nghiệp… Việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh ngày càng gắn với nhu cầu xã hội và phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương đã giúp học viên có nhiều sự lựa chọn. Sau khi được đào tạo nghề, nhiều người chọn làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã giúp cho bản thân, gia đình khá hơn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc Phú Yên mở các lớp dạy nghề phù hợp nhu cầu việc làm. (Ảnh: Tường Quân /TTXVN)

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên, năm 2022 toàn tỉnh có hơn 9.830 người được đào tạo nghề, đạt gần 123% kế hoạch tỉnh giao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,27%; trong đó tỷ lệ có văn bằng chứng chỉ đạt 27,15%. Năm 2023, tỉnh phấn đấu đào tạo nghề cho 8.000 người; trong đó, dài hạn 3.000 người và ngắn hạn 5.000 người.

Những kết quả trong đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động đã khẳng định hiệu quả trong liên kết giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp. Việc thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự xã hội. Người dân có việc làm ổn định, thu nhập khá, đời sống từng bước được cải thiện, tiến tới giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững./.

Tường Quân

Xem thêm