Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các bệnh viện trang bị đầy đủ thuốc, thiết bị y tế; xây dựng kế hoạch trong mọi tình huống, phân luồng, cách ly điều trị, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Ngày 28/3, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn dẫn đầu đã kiểm tra, làm việc về công tác phòng, chống bệnh sởi tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đoàn đã kiểm tra công tác phân luồng, thu dung, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. Báo cáo với Đoàn công tác, bác sĩ Cao Minh Hiệp, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bắt đầu từ tháng 6/2024, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận các ca bệnh sởi nhập viện điều trị. Số ca mắc tăng cao đỉnh điểm vào tuần 50 của năm 2024. Hiện, số ca mắc sởi nhập viện đang có xu hướng giảm. Trong 3 tháng đầu của năm 2025, bệnh viện thu dung điều trị cho 1.520 ca sởi, trong đó có 299 ca bệnh nặng. Lượng bệnh nhi từ tỉnh, thành khác chuyển đến điều trị chiếm gần 70% trong tổng số ca nhập viện điều trị nội trú. Đáng chú ý, tỷ lệ trẻ dưới 9 tháng tuổi nhập viện do mắc sởi ở mức cao, chiếm 40% trong tổng số ca bệnh; đặc biệt, 83% trẻ mắc sởi nặng chưa được tiêm mũi vaccine nào (cao nhất là trẻ dưới 9 tháng tuổi với 64%).
Để phòng lây nhiễm chéo, bệnh nhi khi được đưa đến bệnh viện nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc sởi được cách ly ngay, thực hiện khám sàng lọc ở khu vực riêng và chuyển đến khoa Nhiễm nếu được xác định mắc sởi. Song song đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiến hành lập danh sách đối với bệnh nhi phơi nhiễm do có tiếp xúc với bệnh nhi sởi, dặn dò thân nhân theo dõi các diễn tiến bệnh. Bệnh nhi có nguy cơ cao (gồm bệnh nhi suy giảm miễn dịch, trẻ dưới 9 tháng tuổi có bệnh lý nền nặng đang tiến triển) sẽ được tiêm Immune Globulin trong vòng 3 - 6 ngày đầu phơi nhiễm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trong bối cảnh dịch sởi đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, là một bệnh viện tuyến cuối khu vực phía Nam, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó theo quy mô dịch bệnh. Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp vượt quá khả năng của Khoa Nhiễm, đơn vị sẽ mở rộng khu vực cách ly sang Khoa Hô hấp và chuyển toàn bộ bệnh nhi của các khoa này sang điều trị tại các khoa khác. Lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1 kiến nghị, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường năng lực cho tuyến dưới, hạn chế chuyển tuyến, giảm nguy cơ quá tải bệnh viện cũng như lây nhiễm chéo cho các bệnh nhi khác; đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác tiêm phòng ngừa bệnh sởi tại các tỉnh, thành phố nhằm kéo giảm số lượng trẻ mắc sởi trong cộng đồng.
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhờ triển khai nhiều biện pháp phòng dịch quyết liệt, đến nay, dịch sởi ở Thành phố đã được kiểm soát. Đặc biệt, tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi trên địa bàn đạt mức 99,64%, số lượng ca mắc mới giảm liên tục theo tuần. Ngày 28/3, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố hết dịch sởi tại 22 phường, xã và tiến tới kết thúc dịch trên toàn Thành phố trong Quý II/2025.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá, Thành phố Hồ Chí Minh có số ca sởi giảm, công bố hết dịch ở 22 phường, xã là tín hiệu vui. Tuy nhiên, dịch sởi có xu hướng gia tăng ở một số tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ và một số tỉnh, thành phố phía Nam. Vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh không được lơ là, chủ quan, tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine cũng như thu dung, điều trị bệnh nhi cho cả khu vực phía Nam.
Trong bối cảnh số ca bệnh từ các tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục đổ về tuyến cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh, nguy cơ dịch bệnh lây lan trong bệnh viện, cộng đồng vẫn còn cao, Thứ trưởng đề nghị, Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện trang bị đầy đủ thuốc, thiết bị y tế; xây dựng kế hoạch trong mọi tình huống, phân luồng, cách ly điều trị, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và các bệnh viện tuyến cuối tăng cường tập huấn, đào tạo cho tuyến dưới, đặc biệt là địa phương phía Nam trong khám, chữa bệnh và điều trị bệnh sởi nói riêng./.
- Từ khóa:
- Thành phố Hồ Chí Minh
- kiểm soát
- dịch sởi