Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thí điểm đào tạo nhân lực trình độ quốc tế cho một số ngành
Đề án tổng thể được thiết kế, xây dựng và thực hiện với 9 đề án thành phần, gồm các đề án Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 ngành.
Chiều 12/12, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị công bố kết quả một số đề án thành phần thuộc Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) và Đại học chia sẻ.
Năm 2021, UBND Thành phố đã phê duyệt Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020 - 2035 và Đại học chia sẻ với mục tiêu phát triển lực lượng lao động có chất lượng cao, giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế cho Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung trong quá trình hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu; hướng đến xây dựng mô hình Đại học chia sẻ có khả năng kết nối và chia sẻ mạnh mẽ các nguồn lực quan trọng trong giáo dục đại học.
Đề án tổng thể được thiết kế, xây dựng và thực hiện với 9 đề án thành phần, gồm các đề án Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 ngành (Công nghệ thông tin - Truyền thông; Cơ khí - Tự động hóa; Trí tuệ nhân tạo; Quản trị doanh nghiệp; Tài chính - Ngân hàng; Y tế; Du lịch; Quản lý đô thị) và đề án Đại học chia sẻ. Đến nay, có 6/9 đề án thành phần đã được nghiệm thu; 2 đề án đang nghiên cứu sẽ nghiệm thu trong năm 2025 và 1 đề án đang thẩm định giao nhiệm vụ.
Trên cơ sở đó, Thành phố triển khai thí điểm đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 4 ngành: Công nghệ thông tin - Truyền thông (giao Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh triển khai); Trí tuệ nhân tạo (do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức); Tài chính - Ngân hàng (do Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh triển khai); Quản lý đô thị (do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo).
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, nguồn nhân lực được xác định là yếu tố quan trọng cho sự phát triển đột phá của Thành phố giai đoạn tới. Đặc biệt, trong bối cảnh Thành phố đang tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, công nghệ cao, dịch vụ hiện đại giá trị cao, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cùng với việc triển khai nhiều đề án như xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, phát triển đường sắt đô thị…, các cơ sở đào tạo được giao triển khai các đề án thành phần cần khẩn trương hoàn thiện chương trình. Các trường cần đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp cả trong việc thiết kế chương trình, lựa chọn phương thức và triển khai đào tạo, để đào tạo sát thực tế; chủ động đầu tư về đội ngũ và cơ sở vật chất.
Để nhân lực được đào tạo đáp ứng yêu cầu trình độ quốc tế, ông Phan Văn Mãi cho rằng, nhân lực được đào tạo phải có cả ngoại ngữ, kiến thức pháp lý quốc tế và kỹ năng về kinh doanh. Các đơn vị cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế hợp tác giữa chính quyền, trường đại học và doanh nghiệp sử dụng lao động ở các ngành này. Cùng với cam kết hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển để phát huy kết quả của đề án, Thành phố cũng cam kết đầu tư nguồn lực xứng đáng cho chương trình đào tạo. Ngoài các trường đã tham gia đề án, Thành phố khuyến khích sự tham gia của các đại học khác trên địa bàn, kể cả trường quốc tế.
Là đơn vị triển khai thí điểm đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã tập trung vào việc xây dựng một chương trình đào tạo chất lượng cao, bám sát chuẩn mực quốc tế, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn. Nhà trường cũng tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đặc biệt phối hợp với các giảng viên nước ngoài tham gia chương trình đào tạo.
Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, trước mắt, nhà trường sẽ tổ chức thí điểm đào tạo với những sinh viên ưu tú được tuyển chọn từ ngành Tài chính - Ngân hàng. Ngôn ngữ trong quá trình đào tạo của chương trình là tiếng Anh, trừ các môn Triết học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Mục tiêu của đề án là thiết kế, xây dựng chương trình đào tạo và đề xuất thực hiện đào tạo nhân lực trình độ quốc tế đối với ngành này trong giai đoạn tới, đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng lao động chất lượng cao trong quá trình hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu./.
- Từ khóa:
- Thành phố Hồ Chí Minh
- đào tạo
- nhân lực
- quốc tế