Văn hóa

Tháo gỡ "điểm nghẽn" trong thu hút khách quốc tế

Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm từ các nước về những yếu tố giúp vừa tăng trưởng số lượng khách, vừa tăng trưởng về chi tiêu của du khách, cải thiện sức hút khách quốc tế.

Đại diện Lãnh đạo UBND phố Hồ Chí Minh và Ban Tổ chức chủ trì phiên thảo luận tại hội thảo. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

TTXVN - Ngày 10/3, Báo Thanh niên phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức Hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố, các sở, ngành và các đơn vị trong chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhận định, câu chuyện visa cho khách quốc tế đã kéo dài từ lâu, nếu không khắc phục được "điểm nghẽn"  khó cải thiện được tình trạng thiếu khách quốc tế như hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, thu hút khách quốc tế là vấn đề quan trọng đối với hầu hết quốc gia và vùng lãnh thổ, chứ không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam còn hạn chế, thời gian lưu trú tương đối ngắn và hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm mang tính đột phá về sự khác biệt. Để tháo gỡ "điểm nghẽn" trong thu hút khách quốc tế, Chính phủ cần bắt đầu từ visa, mở thêm nhiều đường bay thẳng...

Với kinh nghiệm trong ngành Hàng không, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Thương mại Vietnam Airlines phân tích, những nước miễn visa, có đường hàng không bay thẳng, trong vòng 3 năm đã có số lượng hành khách tăng lên gấp đôi, chứ không chỉ tăng lên mức độ trung bình 5-10%. Đối với Việt Nam, giới thiệu du lịch Đông Dương là một trong những chương trình trọng điểm nhưng bị nghẽn visa. Trên thực tế, cùng là khu vực Đông Nam Á, du khách có xu hướng chọn lựa đất nước có visa dễ hơn.

Đồng quan điểm, bà Trần Nguyện, Phó Tổng Giám đốc Khối Sun World, Tập đoàn Sun Group chỉ ra rằng, ngành Du lịch Việt có phần chậm chạp so với những điểm đến khác trong khu vực đã thích ứng khá nhanh và linh hoạt với diễn biến thị trường du lịch trong và ngoài nước. Điển hình, Malaysia miễn thị thực cho 162 quốc gia, Singapore cho 162 quốc gia, Philippines cho 157 quốc gia, Nhật Bản cho 68 quốc gia, Hàn Quốc 66 quốc gia, Thái Lan 64 quốc gia… Bên cạnh đó, các nước này cấp và cho phép nhập cảnh bằng thị thực điện tử với thời gian lưu trú dài lên 6 tháng và nhiều lần nhập cảnh ra vào.

Với chính sách thị thực cởi mở, thông thoáng cùng nhiều chiến dịch thu hút khách quốc tế của các nước, cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần khách quốc tế ngày càng khốc liệt. Trong khi đó, visa là cánh cửa đầu tiên, cũng là lợi thế cạnh tranh đối với những điểm đến khác, hay nói cách khác, visa có thể xem là đòn bẩy thị thực để tạo sức hút khách quốc tế. Tuy vậy, chính sách visa của Việt Nam đang cho thấy có sự bất lợi về cả số quốc gia miễn visa, cấp visa điện tử, thời gian miễn visa, hình thức visa.

Trước thực trạng đã nêu ra của ngành Du lịch Việt Nam, cụ thể là chính sách visa, một số chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất, trong ngắn hạn cần mở rộng phạm vi quốc gia được miễn thị thực đơn phương, nhất là mở rộng miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc danh sách được cấp thị thực điện tử vào Việt Nam để có thể tranh thủ đón khách quốc tế trong dịp hè 2023. Trong dài hạn, Chính phủ và Bộ ngành xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Ngoài ra, ngành Du lịch Việt Nam cần nghiên cứu quy trình, áp dụng công nghệ để cải cách quá trình cấp visa giúp đẩy nhanh thời gian, đơn giản hóa thủ tục, đa dạng hình thức cấp visa nhằm hỗ trợ tối đa cho du khách quốc tế. Trong đó, có thể kể đến khách quốc tế chi tiêu cao hơn rất nhiều khách nội địa, nên thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không chỉ giúp nhanh chóng phục hồi du lịch, mà còn kích cầu các lĩnh vực liên quan như hàng không, giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, lao động việc làm…

Ở góc độ lĩnh vực thương mại, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, số lượng khách của Việt Nam chỉ bằng 50% Thái Lan và mức độ chi tiêu khách quốc tế chỉ bằng 40%. Nếu so sánh với Philippines, Singapore, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản…, tổng mức chi tiêu của du khách tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều. Những yếu tố này cho thấy, Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng về số lượng, nhưng về chất lượng và dịch vụ cần được đánh giá một cách nghiêm túc.

Do đó, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm từ các nước về những yếu tố giúp vừa tăng trưởng số lượng khách, vừa tăng trưởng về chi tiêu của du khách, cải thiện sức hút khách quốc tế cũng như tạo điều kiện phát triển phân khúc khách siêu giàu, tăng doanh thu sân bay, khách sạn sang… Mặt khác, miễn visa cho các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam tham gia các sự kiện MICE, du lịch đánh golf (dựa trên danh sách của các đơn vị tổ chức sự kiện MICE, golf); miễn visa cho du khách và phi hành đoàn đến Việt Nam bằng máy bay riêng vì mục đích kinh doanh hoặc du lịch./.


Mỹ Phương

Xem thêm