Chỉ đạo, Điều hành

Thể chế hóa chủ trương về ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong lĩnh vực lưu trữ

Việc xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực lưu trữ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ.

Ban tổ chức trao đổi với các cơ quan báo chí. (Ảnh: Hiền Hạnh/TTXVN)

TTXVN - Sáng 7/4, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức thông tin về việc xây dựng dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Thực hiện Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ được giao chủ trì xây dựng dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Theo Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng, việc xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực lưu trữ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ, góp phần thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong quá trình xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi), Bộ Nội vụ đã thực hiện tổng kết thi hành Luật Lưu trữ năm 2011; tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học; tổ chức khảo sát thực tế; gửi lấy ý kiến góp ý, ý kiến phản biện bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) để trình Chính phủ vào tháng 6/2023.

Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) dự kiến gồm 9 Chương, 48 Điều. Bên cạnh những nội dung kế thừa của Luật Lưu trữ năm 2011, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) tập trung vào 4 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 3/12/2021 của Chính phủ, cụ thể: Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, về tài liệu lưu trữ điện tử, về quản lý tài liệu lưu trữ tư và về hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Theo đó, về nội dung liên quan đến thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, dự thảo Luật bổ sung các quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam theo hướng phân định rõ thẩm quyền quản lý cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; tài liệu Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam giữa cơ quan có thẩm quyền của Đảng và cơ quan quản lý Nhà nước về lưu trữ; phân cấp quản lý tài liệu lưu trữ giữa cơ quan lưu trữ của Nhà nước ở trung ương và ở địa phương; thẩm quyền quản lý tài liệu các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao và thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ cấp xã.

Các quy định bổ sung nêu trên nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phân cấp và phân định rõ thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ giữa các cơ quan quản lý; phân công các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao có trách nhiệm bảo quản, sử dụng khối tài liệu lưu trữ đặc thù liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại quốc gia.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng làm rõ giá trị pháp lý của tài liệu lưu trữ điện tử; quy định những yêu cầu của Hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, Kho lưu trữ số; thực hiện nghiệp vụ về thu thập, bảo quản, sử dụng tài liệu lưu trữ điện tử, nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đẩy mạnh chuyển đổi số hoạt động lưu trữ, đáp ứng yêu cầu xây dựng lưu trữ số, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với quy định trong các luật chuyên ngành về công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, an ninh mạng, tiếp cận thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước.

Về quản lý tài liệu lưu trữ tư, dự thảo Luật quy định giá trị của tài liệu lưu trữ tư; trách nhiệm của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc quản lý, sử dụng tài liệu lưu trữ tư; thành lập, tổ chức lại, giải thể và hoạt động của tổ chức lưu trữ tư..., qua đó góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về việc lưu giữ, bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu tư để phục vụ lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia. Những quy định này vừa bảo đảm phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ tư, vừa bảo đảm quản lý nhà nước, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân trong quản lý tài liệu lưu trữ tư và hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Ngoài ra, liên quan đến hoạt động dịch vụ lưu trữ, dự thảo Luật cũng có nội dung quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ và điều kiện hoạt động dịch vụ lưu trữ; yêu cầu kinh doanh dịch vụ bảo quản tài liệu lưu trữ giấy và tài liệu lưu trữ trên các vật mang tin khác; quy định thẩm quyền và đối tượng được cấp, cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề lưu trữ. Qua đó, đáp ứng yêu cầu để tổ chức lưu trữ tư khi tham gia kinh doanh dịch vụ lưu trữ được tiếp cận tài liệu lưu trữ chứa thông tin quan trọng trong hoạt động quản lý của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và tài liệu lưu trữ có giá trị quốc gia...

Dự kiến, dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2023); trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024); đề xuất thời gian Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

*Nhân dịp này, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) cũng thông tin về việc phối hợp với Cục Lưu trữ (Bộ Văn hóa và Thông tin Pháp) hợp tác xây dựng Cổng thông tin điện tử giới thiệu khối tài liệu lưu trữ tiếng Pháp giai đoạn 1858-1954 bảo quản tại các cơ quan Lưu trữ Việt Nam và Pháp.

Cổng thông tin này giới thiệu khái quát về các khối tài liệu thời kỳ thuộc địa được bảo quản tại các cơ quan Lưu trữ của Việt Nam và Pháp, đồng thời gắn đường liên kết đến các Trang thông tin điện tử của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và của Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp cho phép độc giả định hướng tài liệu cần tìm trong các phông lưu trữ bảo quản ở các cơ quan lưu trữ của hai nước.

Đây là hoạt động góp phần thiết thực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (1973 - 2023) và 10 năm hai nước nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược (2013 - 2023). Độc giả quan tâm có thể truy cập trang thông tin qua liên kết: http://vietphap.luutru.gov.vn/tructuyen/gioithieu.aspx././.

Hiền Hạnh

Tin liên quan

Xem thêm