Đề thi được bảo mật tuyệt đối, không có chuyện lộ, lọt đề.
Tại cuộc họp báo sau Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều 28/6, đại diện lãnh đạo, các đơn vị Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời nhiều vấn đề “nóng”, được dư luận xã hội quan tâm liên quan đến công tác tổ chức thi, công tác ra đề thi năm nay.
Với đề thi Ngữ Văn, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, đề thi được bảo mật tuyệt đối, không có chuyện lộ, lọt đề. Nếu đề thi có trùng đoạn trích và lệnh hỏi mới coi là lộ đề, còn chỉ giống tên tác phẩm do suy đoán của các cá nhân vì giới hạn ra đề là các tác phẩm trong sách giáo khoa.
Về đề thi Tiếng Anh có phần sử dụng ngữ liệu của một tờ báo lớn nước ngoài, ông Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ: Đối với việc ra đề thi, ngữ liệu sử dụng phải đảm bảo trích từ các nguồn tin cậy. Do vậy, nguồn ngữ liệu sử dụng chủ yếu từ sách, tạp chí hoặc một số tờ báo lớn, việc trùng hợp xảy ra là chuyện bình thường.
Bên cạnh đó, về công tác ra đề, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cũng cho biết: Cấu trúc định dạng đề thi năm nay không thay đổi nhưng cách thức đặt câu hỏi gắn với thực tiễn, có tính chất tiệm cận với đánh giá phẩm chất, năng lực được coi là bước đệm để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025, thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Về việc một số mã đề thi môn Toán có câu bị mờ, lỗi do khâu in ấn, xảy ra tại Hội đồng thi tỉnh Đắk Lắk, ảnh hưởng tới bài làm của thí sinh, Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia sẽ phối hợp với Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh có hướng xử lý để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Trao đổi vấn đề phòng, chống gian lận bằng công nghệ cao, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) cho biết, những trường hợp bị xử lý vì vi phạm quy chế thi chủ yếu do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi. Năm nay, Bộ Công an đã tập huấn để cán bộ làm thi nhận biết các thiết bị gian lận thi cử, nhưng chưa phát hiện thấy thí sinh gian lận thi bằng thiết bị công nghệ cao. Về thông tin thất thiệt lộ đề thi Ngữ văn vào tối 26/6, trên cơ sở thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an đã rà soát tìm ra đối tượng tung tin thất thiệt này. Nam sinh này đã thừa nhận mình tự dựng clip, đồng thời cam kết không tái phạm.
Phát biểu kết luận cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 nhấn mạnh: Trong 2 ngày vừa qua, bằng sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành; sự phối hợp của các cấp, ngành, công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Các cấp, ngành, từ Trung ương đến địa phương đều có các phương án dự phòng để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Đến thời điểm này, theo cập nhật từ báo cáo của các địa phương, không có thí sinh nào vì cách trở giao thông, ảnh hưởng của thời tiết hay khó khăn về kinh tế mà phải bỏ thi.
Công tác ra đề, in sao, vận chuyển, bảo quản và sử dụng đề thi bảo mật, an toàn. Cán bộ coi thi được nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm. Dù số lượng cán bộ coi thi được huy động nhiều hơn so với kỳ thi năm 2023, nhưng năm nay không có thầy cô nào vi phạm quy chế. Số thí sinh vi phạm quy chế thi cũng giảm hẳn so với năm 2023, dù số lượng dự thi đông hơn; đặc biệt, không có những trường hợp vi phạm mang tính phức tạp như phát tán đề thi. Công tác truyền thông về kỳ thi chủ động, kịp thời, tạo tâm lý an tâm cho thí sinh và phụ huynh.
Đề cập đến Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Kỳ thi vẫn hướng tới mục tiêu giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, sử dụng kết quả cho hai mục đích xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông và đảm bảo độ tin cậy để xét tuyển đại học, cao đẳng. Trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học dần tự chủ trong tuyển sinh và tổ chức nhiều kỳ thi riêng để xét tuyển thì việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông vẫn đặc biệt phù hợp với các học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, không có điều kiện tham gia nhiều kỳ thi khác nhau; đa số các trường đại học trên cả nước cũng vẫn sử dụng kết quả này để tuyển sinh.
Liên quan đến việc sử dụng ngữ liệu để đưa vào đề thi môn Ngữ Văn trong kỳ thi năm sau, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ: Ngữ liệu đề thi môn Ngữ Văn năm 2025 sẽ khác, có thể ở nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau hoặc ngoài sách giáo khoa để phát huy tính sáng tạo của học sinh, tránh tình trạng học tủ, học lệch, dập khuôn theo văn mẫu, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018./.