Đổi mới phương thức thi, công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh.
TTXVN - Dự kiến, trong quý IV năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố chi tiết phương án thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025. Theo góp ý của các chuyên gia giáo dục và giáo viên, phương thức thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông áp dụng từ năm 2025 cần đảm bảo sự kế thừa, đồng thời có điều chỉnh theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực, đánh giá được thực chất năng lực và tư duy của học sinh.
Dự thảo phương án thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để lấy ý kiến đóng góp của các Sở Giáo dục và Đào tạo cùng giáo viên trên cả nước, có hai phương án được đề xuất. Phương án 1 gồm 6 môn, trong đó 4 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn (trong số các môn có tính điểm mà học sinh chọn học ở lớp 12). Phương án 2 gồm 5 môn, trong đó 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn.
* Hướng tới mục tiêu giảm áp lực thi cử cho thí sinh
Thầy Nguyễn Văn Lự (Trường Trung học Phổ thông Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) cho rằng: Nếu phương án thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025 thi 4 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán học, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn lựa chọn trong 4 môn đã chọn học (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Địa lý, Giáo dục kinh tế pháp luật, Tin học) sẽ đáp ứng cả hai mục tiêu tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Nếu học khối Tự nhiên, thí sinh có thể chọn Hóa - Lý hoặc Hóa - Sinh, hoặc Lý - Tin, Hóa - Công nghệ…. Thí sinh học khối Xã hội, có thể chọn hai môn: Địa - Công nghệ, Công nghệ - Tin học, hoặc Địa - Giáo dục kinh tế pháp luật...
Theo thầy Nguyễn Văn Lự, kiểm tra, đánh giá là khâu cuối của hoạt động giáo dục. Đổi mới toàn diện đề thi, tổ chức thi - đánh giá sẽ phân hóa được năng lực hiểu biết và thực hành, điểm sẽ gần chất lượng thực hơn. Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, các môn học đều thay đổi từ nội dung đến phương pháp dạy và học, đặc biệt là môn Ngữ văn. Vì vậy, sự đổi mới câu hỏi và cách thi, đánh giá theo năng lực sẽ dần xóa bỏ quan niệm lệch lạc “thi gì thì học nấy”.
Về lâu dài, việc thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, tuyển sinh đại học, tuyển sinh vào lớp 10 cần thay đổi theo hướng đánh giá năng lực người học. Từ đó, từng bước giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp dạy học, học trò thay đổi phương pháp học và tác động làm thay đổi nhận thức về mục tiêu học tập của các em theo năng lực và đam mê.
Góp ý với việc lựa chọn số môn thi, thầy Nguyễn Quang Thi, Trường Trung học Phổ thông Bảo Lộc, Lâm Đồng mong muốn Bộ giáo dục và Đào tạo sử dụng phương án 2, gồm 3 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn.
Nêu những ưu điểm của phương án này, thầy Nguyễn Quang Thi cho rằng: Các môn thi thể hiện tính cân bằng trong việc chọn tổ hợp môn của thí sinh: Thí sinh thi khối A chọn môn Lý và môn Hóa, thí sinh thi khối B chọn môn Hóa và môn Sinh, thí sinh thi khối C chọn môn Sử và môn Địa… Như vậy, việc rạch ròi từng tổ hợp giúp học sinh xác định môn học ngay từ đầu năm để có kế hoạch ôn thi hiệu quả hơn và làm cơ sở xét tuyển đại học.
Bên cạnh đó, phương án này giảm áp lực thi cử cho thí sinh. Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông hiện nay là 6 môn và nếu từ năm 2025 giảm còn 5 môn, học sinh đỡ vất vả hơn trong việc ôn thi tốt nghiệp. Công tác tổ chức thi và việc dự thi của thí sinh gọn nhẹ, giảm tốn kém, đồng thời, phù hợp với quy định về môn học bắt buộc và môn học lựa chọn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thầy Nguyễn Quang Thi chia sẻ: Phương án thi 5 môn đảm bảo công bằng về đánh giá kết quả học tập giữa các đối tượng thí sinh. Thông thường, học sinh giỏi các môn tự nhiên lại yếu về các môn xã hội và ngược lại. Do vậy, phương án này giúp thí sinh phát huy năng lực, sở trường; tạo điều kiện thuận lợi cho các em sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông để xét tuyển vào đại học.
Thầy Nguyễn Quang Thi đề xuất xây dựng phương án thi cho từng đối tượng học sinh vì mục tiêu và đích đến khác nhau.
Cụ thể, đối với những học sinh không có nguyện vọng xét tuyển đại học, thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông với 5 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai môn tự chọn; trong đó, môn Toán, Ngoại ngữ và hai môn tự chọn thi theo hình thức trắc nghiệm; Toán 45 câu tương ứng 60 phút, Ngoại ngữ 40 câu tương ứng 50 phút, hai môn tự chọn 30 câu tương ứng 45 phút và chỉ ra kiến thức của lớp 12; môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận với thời lượng 90 phút. Trong tương lai gần, Bộ Giáo dục cần hướng đến xét tốt nghiệp cho đối tượng học sinh này. Bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông hiện nay coi như tấm thẻ thông hành để các em đi học nghề và tham gia lao động sản xuất. Hơn nữa, nó chỉ đánh dấu chặng đường học phổ thông của học sinh mà không cần tạo áp lực suốt ngày vùi đầu ôn thi.
Đối với học sinh có nguyện vọng xét tuyển đại học, thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 5 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai môn tự chọn; trong đó, môn Toán, Ngoại ngữ và hai môn tự chọn thi theo hình thức trắc nghiệm; môn Toán 50 câu tương ứng 90 phút như hiện nay đang thực hiện; môn Ngoại ngữ 50 câu gồm 60 phút, hai môn tự chọn 40 câu tương ứng 60 phút, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận với thời lượng 120 phút. Đề thi được thết kế khó hơn. Ví dụ, với môn Toán, ngoài 45 câu như đối tượng học sinh xét tốt nghiệp nói trên có bổ sung thêm 15 câu nâng cao để phân loại và làm tiền đề cho các trường đại học xét tuyển. Tương tự cho các môn khác cũng vậy.
* Đánh giá giáo dục phải tuân thủ nguyên lý “học gì thi nấy”
Tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ kỳ thi năm 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Khi xây dựng phương án thi, cần dựa trên những quan điểm có tính nguyên tắc. Đổi mới phương thức thi, công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh. Phương thức thi và công nhận tốt nghiệp phải trực tiếp góp phần quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để học sinh phát triển toàn diện năng lực phẩm chất, phát huy sở trường cá nhân, trở nên đặc biệt theo cách của riêng mình, tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu.
Bên cạnh đó, đánh giá giáo dục, trong đó có thi tốt nghiệp và công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông là khâu cuối cùng trong cả tiến trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Vì vậy, việc đánh giá giáo dục phải tuân thủ nguyên lý “học gì thi nấy” chứ không phải “thi gì, học nấy”.
Cho rằng, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông chỉ đóng vai trò cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, chứ không đóng vai trò trực tiếp. Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo nên khuyến khích các trường đại học, cao đẳng tự chủ hoàn toàn trong tuyển sinh với phương thức tuyển sinh phù hợp với từng nhà trường, Giáo sư Đỗ Đức Thái đề xuất phương án thi: Đối với môn bắt buộc, có thể lựa chọn một trong hai phương án: Phương án 1 gồm: Toán, Ngữ văn; phương án 2 gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Môn tự chọn là hai môn học sở trường được học sinh chọn từ những môn học được giảng dạy ở Trung học Phổ thông.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh cho rằng: Trong giai đoạn hiện nay và về sau, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông là cần thiết nhằm tạo động lực học tập tích cực cho học sinh, góp phần duy trì được nền nếp dạy, học trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời, đây cũng là phương thức quan trọng, chủ yếu để thí sinh xét tuyển vào đại học.
Song để đáp ứng mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đề thi phải đáp ứng yêu cầu đánh giá năng lực và phát hiện tiềm năng của thí sinh. Các phương án thi phải đảm bảo được nhiệm vụ chính trị của ngành, vừa đảm bảo cung ứng nguồn lực cho sự phát triển bền vững của đất nước, địa phương. Phương án thi phải đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ, khoa học, hợp lý giữa việc lựa chọn môn học, tổ hợp môn học ở bậc Trung học Phổ thông và việc lựa chọn môn thi, tổ hợp môn trong kỳ thi tốt nghiệp trên nguyên tắc đánh giá được các năng lực cơ bản cốt lõi, thiết yếu và năng lực sở trường phù hợp của thí sinh, giúp các em định hướng nghề nghiệp chính xác, phù hợp với nhu cầu phát triển.
Các Sở Giáo dục và Đào cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố môn thi (môn thi bắt buộc, môn thi tự chọn) để giúp các địa phương xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập và định hướng thi cho học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018./.