Xã hội

Thiết lập hệ thống thông tin để hoạch định chính sách, pháp luật về thanh niên

Bảo đảm đến hết năm 2022, có 100% địa phương hoàn thành việc ban hành các văn bản triển khai thực hiện Luật Thanh niên, các nghị định, nghị quyết, chương trình phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Chu Thanh Vân/TTXVN)

Sáng 24/11, tại thành phố Nha Trang, Bộ Nội vụ phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức Hội nghị phổ biến, triển khai thực hiện chính sách pháp luật về thanh niên. Hội nghị có sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ 32 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và phía Nam.

Ông Hoàng Quốc Long, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) cho biết, năm 2020, sau khi Quốc hội thông qua Luật Thanh niên, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tham mưu Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thanh niên; đồng thời, tạo điều kiện để thanh niên ngày càng có nhiều cơ hội được tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật cho thanh niên.

Bộ Nội vụ đã kịp thời tổ chức các hội nghị trực tiếp và trực tuyến phổ biến, triển khai Luật, Chiến lược, quy định chế độ báo cáo thống kê về thanh niên Việt Nam… đến lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, Ủy ban nhân dân, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện Luật Thanh niên, nghị quyết, Chương trình phát triển thanh niên giai đoạn 2021 - 2030 và các văn bản liên quan theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ông Hoàng Quốc Long, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên - Bộ Nội vụ. (Ảnh: Hiền Hạnh/TTXVN)

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quốc Long, cũng còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa bảo đảm tiến độ ban hành các văn bản nêu trên, ảnh hưởng đến kết quả triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên nói chung trong cả nước. Do vậy, Hội nghị là cơ hội để các bộ, ngành, địa phương trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác tham mưu, đề xuất ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên, đặc biệt là các biện pháp cụ thể hóa để phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.

Ông Hoàng Quốc Long đề nghị các đại biểu quán triệt đầy đủ các nội dung cơ bản của Luật Thanh niên, các nghị định hướng dẫn thi hành Luật, Chiến lược và các văn bản có liên quan để tham mưu, đề xuất việc triển khai bảo đảm thống nhất, hiệu quả, đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, các đại biểu trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên, bảo đảm đến hết năm 2022, có 100% địa phương hoàn thành việc ban hành các văn bản triển khai thực hiện Luật Thanh niên, các nghị định, nghị quyết, chương trình phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Bà Phan Thị Lê Mai, chuyên viên cao cấp, cán bộ chương trình phát triển thanh niên của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, thanh niên là một trong những đối tượng quan trọng của UNFPA. Khi Chính phủ Việt Nam có một cơ quan quản lý nhà nước về phát triển thanh niên, UNFPA đã chủ động tìm đến Bộ Nội vụ để xây dựng mối hợp tác. 10 năm qua, UNFPA đã sát cánh cùng Bộ Nội vụ trong việc xây dựng Luật Thanh niên và Chiến lược phát triển thanh niên, đặc biệt là những tài liệu để triển khai các văn bản quan trọng này.

Cũng theo bà Phan Thị Lê Mai, việc triển khai đưa Luật và Chiến lược trở thành hành động của địa phương là rất khó khăn, cần có sự cam kết của địa phương. Chính vì vậy, trong chu kỳ 5 năm tới, Quỹ Dân số Liên hợp quốc sẽ sát cánh cùng Bộ Nội vụ, hỗ trợ cả về mặt kỹ thuật và tài chính để triển khai Luật và Chiến lược. Trong đó, quan tâm xây dựng kế hoạch thực hiện Luật và Chiến lược thanh niên cấp quốc gia, kế hoạch của 63 tỉnh, thành phố.

Bà Phan Thị Lê Mai nhấn mạnh, các chỉ số phát triển thanh niên trong Chiến lược phải được chuyển thành kế hoạch phát triển thanh niên của tỉnh. (Ảnh: Hiền Hạnh/TTXVN)

Bà Phan Thị Lê Mai nhấn mạnh, các chỉ số phát triển thanh niên trong Chiến lược phải được chuyển thành kế hoạch phát triển thanh niên của tỉnh, thậm chí của từng ban, ngành ở địa phương mình. Đã đến lúc những nội dung báo cáo phải được lượng hóa bằng các con số.

Ngoài ra, Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ xây dựng báo cáo về phát triển thanh niên. UNFPA đã hỗ trợ Bộ Nội vụ xây dựng 2 kỳ báo cáo: Báo cáo quốc gia về thanh niên năm 2016 và năm 2019. Tuy nhiên, hai báo cáo này không có chỉ số. Việt Nam đang ở trong thời kỳ hội nhập, là một phần quan trọng của ASEAN, khi có những Hội nghị của ASEAN báo cáo về thanh niên ( sắp tới là Diễn đàn Thanh niên ASEAN), điều trông thấy rõ nhất là không có chỉ số để báo cáo.

Chính vì những lý do trên, UNFPA phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị này và sẽ tiếp tục sát cánh trong 5 năm tới, nhằm xây dựng, ban hành và hướng dẫn triển khai thực hiện các thông tư quy định Bộ chỉ tiêu thống kê và chế độ báo cáo thống kê về thanh niên Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng để thiết lập hệ thống thông tin về thanh niên Việt Nam từ trung ương đến cơ sở, phục vụ trực tiếp công tác hoạch định chính sách, pháp luật về thanh niên.

Tại Hội nghị, đại biểu đã được đại diện Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phổ biến các nội dung cốt lõi của Bộ chỉ tiêu thống kê về thanh niên Việt Nam (theo Thông tư số 11/2018/TT-BNV), quy định chế độ báo cáo thống kê về thanh niên Việt Nam (theo Thông tư số 07/2020/TT-BNV), cách thu thập và sử dụng số liệu thống kê...

Nhấn mạnh để thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, phải có cơ sở dữ liệu ban đầu để so sánh đánh giá, xây dựng báo cáo, ông Nguyễn Đình Khuyến (Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê, Tổng cục Thống kê) cho biết, hệ thống chỉ tiêu thống kê về thanh niên Việt Nam là phần cốt lõi của hệ thống thông tin về thanh niên. Theo quy định của Luật Thanh niên, Bộ Nội vụ giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên và có trách nhiệm thu thập số liệu liên quan đến thanh niên trên phạm vi cả nước.

Hệ thống chỉ tiêu thống kê có 83 chỉ tiêu, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm thu thập 4 chỉ tiêu. 79 chỉ tiêu còn lại được thu thập từ các bộ, ngành.

Tại các địa phương, Sở Nội vụ sẽ thu thập thông tin của các sở, ngành khác. Để triển khai được nội dung này, Bộ Nội vụ đã xây dựng hệ biểu và hướng dẫn cách thu thập. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy, nhiều chỉ tiêu liên quan đến thanh niên cần phải cập nhật theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.

Phải bắt tay vào làm từ đầu, dần hình thành hệ số liệu gốc về thanh niên Việt Nam, làm cơ sở nghiên cứu, phát triển, nâng vị thế thanh niên Việt Nam thông qua việc tăng chất lượng của chỉ số về thanh niên Việt Nam trong ASEAN, ông Nguyễn Đình Khuyến nói./.

Thanh Vân – Hiền Hạnh

Xem thêm