Năm 2022, thi hành án dân sự đạt trên 75.000 tỷ đồng, tăng 64% so với năm 2021, trong đó, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tăng gần 12.000 tỷ đồng.
(TTXVN) Chiều 19/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh dự và chỉ đạo Hội nghị.
Thu hồi 16.000 tỷ đồng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế
Năm 2022, ngành Tư pháp đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đạt nhiều kết quả nổi bật. Các bộ, cơ quan ngang bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 564 văn bản. Các sở, ngành ở địa phương trình HĐND và UBND các cấp đã ban hành gần 7.500 văn bản.
Chất lượng thẩm định văn bản tiếp tục được nâng cao; tiến độ được đẩy nhanh hơn. Bộ Tư pháp đã thẩm định 283 dự thảo; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 521 dự thảo; các sở tư pháp thẩm định gần 5.000 dự thảo.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục đổi mới, bám sát yêu cầu đời sống thực tiễn. Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022, các ngành, cấp tổ chức nhiều sự kiện tôn vinh giá trị của pháp luật với điểm nhấn là Lễ hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam, tạo sự lan tỏa tích cực trong việc nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong xã hội.
Đáng chú ý, hệ thống Thi hành án dân sự đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao. Kết quả thi hành xong về tiền đạt trên 75.000 tỷ đồng, tăng trên 64% so với năm 2021, trong đó, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt khoảng 16.000 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ đồng so với năm 2021. Số tiền thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng cũng tăng gần 24% so với năm 2021.
Năm 2023, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trong đó, Bộ, ngành Tư pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; tiếp tục tham mưu thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội. Bên cạnh đó, chú trọng rà soát, khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định của pháp luật; hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp.
Ngoài ra, Bộ, ngành Tư pháp đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tiếp tục tập trung thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; phát huy vị trí, vai trò Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc để chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác.
Tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ghi nhận những thành quả mà tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ, ngành Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành, cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự đã nỗ lực, phấn đấu đạt được trong năm 2022.
Tuy nhiên, một số mặt công tác tư pháp thời gian qua vẫn còn tồn tại, hạn chế: Chất lượng pháp luật trong một số lĩnh vực chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Công tác tổ chức thi hành pháp luật chưa có giải pháp thực sự đột phá, nhất là trong việc đảm bảo tính răn đe; tình trạng “nợ đọng” quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có việc còn hình thức, nội dung chưa thực sự phù hợp với đối tượng, địa bàn...
Cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ mà ngành Tư pháp đặt ra trong năm 2023, Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các nhiệm vụ đã được xác định cụ thể tại Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham mưu thực hiện thực chất, hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, pháp luật về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật; xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát, giám sát giữa các cơ quan trong thi hành pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp; tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật trong lĩnh vực này; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đảm bảo phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân; chú trọng kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Bộ, ngành Tư pháp triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính được Quốc hội giao; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; chú trọng giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, phức tạp kéo dài.
Phó Thủ tướng lưu ý việc nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện cơ chế để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất; chú trọng kiện toàn tổ chức, bộ máy của Bộ, ngành Tư pháp, các tổ chức pháp chế, các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 2 tập thể đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2021 của Bộ Tư pháp.
Bộ trưởng Lê Thành Long đã trao tặng cờ thi đua ngành Tư pháp cho các tập thể có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước năm 2022 của ngành Tư pháp./.